Multimedia Đọc Báo in

Cửa biển Nhật Lệ trong lịch sử và thơ ca

05:54, 23/09/2018

Cửa biển Nhật Lệ - cửa ngõ thông ra Biển Đông của con sông Nhật Lệ (Quảng Bình) bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn Tây. Từ thời nhà Lý (1010 - 1225) tên gọi Nhật Lệ đã có với nhiều danh xưng Hán tự khác nhau, trong đó “Trú Nha” có nghĩa là “Hàm răng kín” diễn tả đầy đủ nhất hình thái, cấu trúc của cửa sông huyền thoại này.

Kể từ triều đại nhà Lý trở đi, cửa biển Nhật Lệ là nơi ghi dấu rất nhiều lần đội quân triều đình nghỉ chân, chỉnh đốn binh mã cũng như liên tục đụng độ với quân quấy nhiễu. Năm 1044, vua Lý Thái Tông cho tập kết binh thuyền ở cửa biển Nhật Lệ trước khi ra lệnh đánh dẹp quân Chiêm đang gây hấn. Năm 1069, một trong những cột mốc đánh dấu sự hình thành tỉnh Quảng Bình, vua Lý Thánh Tông cùng với tướng tiên phong Lý Thường Kiệt đã chỉ huy thủy quân vượt qua cửa Nhật Lệ, tiến vào kinh đô Chiêm Thành, bắt sống vua Chế Cũ. Từ đây, ba châu Bố Chính, Địa Lý (Quảng Bình) và Ma Linh (bắc Quảng Trị) của nước Chiêm nhập vào Đại Việt.

Năm 1375, vua Trần Duệ Tông sai Hồ Quý Ly tập hợp quân lính và điều động thêm dân chúng từ Nghệ An vào Quảng Bình nhằm vận chuyển, tập kết quân lương đến cửa Nhật Lệ. Tại đây, lực lượng thủy quân nhà Trần đã tập dượt trong vòng một tháng để chuẩn bị chinh phạt Chiêm Thành. Năm 1407, cũng tại cửa Nhật Lệ, Đặng Tất, người Hà Tĩnh, từng làm quan cai quản Hóa Châu (Thừa Thiên - Huế) đã đánh tan quân phản loạn Phạm Thế Căng (tướng trung thành của nhà Trần, nhưng đến triều đại nhà Hồ đã hàng phục nhà Minh). Phạm Thế Căng sau đó bị bắt và xử tội chết. 

Thành phố Đồng Hới bên cửa biển Nhật Lệ.
Thành phố Đồng Hới bên cửa biển Nhật Lệ.

Năm 1470, trước lúc xuất quân tấn công Chiêm Thành, vua tôi nhà Trần cùng hội quân trên cửa Nhật Lệ. Ở nơi nước biếc kỳ vĩ này, vua Lê Thánh Tông đã hứng khởi đề thơ. Đây là một bài thơ hay viết về biển đảo thời phong kiến: “Nhật Lệ hải tấn” (Cửa biển Nhật Lệ): “Liễu khóa lên thuyền độ vĩ lư/Phiêu phiêu chính phái trú Hà Cừ/Sa hàn địa lão tà dương ngạn/Sương lẫm phong phi túc thảo khư/Long ngự cửa truyền tiên lý tích/Kính phong do ký hậu Trần thư/Chỉ kim thiệu bá tuần Nam Quốc/Nhật tích phong cương vạn lý dư”. Dịch nghĩa: “Trời sáng thuyền vua tới cửa sông/Hà Cừ phất phới đóng quân hồng/Đất cằn cát lạnh tà soi bến/Sương gió gò hoang ngọn cỏ hồng/Vua ngự còn thuyền tích sự ký/Quân hùng mãi chép chuyện thời Trần/Tuần nam nay chỉ theo người trước/Mở rộng biên cương vạn dặm hồng”.

Theo nghĩa chữ Hán “Hà Cừ” là làng cát. Sử cũ có chép, ngôi làng Hà Cừ nằm nhấp nhô trên dải cát được bồi đắp hằng năm sát cửa biển Nhật Lệ. Năm 1558, sau khi được Nguyễn Bỉnh Khiêm sấm truyền: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, Nguyễn Hoàng đã vượt Đèo Ngang dẫn theo dân chúng bắt đầu công cuộc mở mang bờ cõi xuống phía nam. Làng Hà Cừ có dân Hậu Lộc, Thanh Hóa đến khai phá, dần dần sống hòa hợp với cư dân bản địa ít ỏi, có đời sống kinh tế đánh bắt cá ven sông và chất chứa nhiều nét văn hóa biển đặc sắc.  

Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh (1627 – 1672), cửa biển Nhật Lệ là chiến địa, là thành trì và cũng là ranh giới hưu chiến của hai quân. Đây là một loại cửa lệch, không rộng, không sâu dễ xoay chuyển thuyền bè cộng thêm hình thế tựa cái cổ chai rất lợi thế để tạo nên nút thắt chiến lược trong chiến tranh. Nhận thấy những điểm mạnh, yếu đó, chúa Nguyễn đã sai Đào Duy Từ và Nguyễn Hữu Dật thiết kế và thi công hệ thống thành lũy quân sự kiên cố xuất phát từ hai phía... Ở phía Đông có lũy Động Cát bắt đầu từ cửa Nhật Lệ chạy dọc dải cát ven biển đề phòng quân đối phương tấn công từ biển vào. Ở phía Nam là các lũy Trường Dục, Đầu Mâu, Động Hải… với lũy cao hào sâu, bố phòng chặt chẽ cộng thêm

dây xích sắt giăng ngang và cọc nhọn đóng ngay cửa biển. Nhờ đó mà trong gần 50 năm giao tranh ác liệt, đặc biệt là trận đánh lớn nhất năm 1672 nhưng nhà Trịnh vẫn không đánh bại được họ Nguyễn, đành trở về bắc sông Gianh yên bề phân định. 

Trong kháng chiến chống Pháp, Đồng Hới là cửa ngõ phía bắc của kinh thành Huế và cửa Nhật Lệ trở thành yết hầu phục vụ kế sách tác chiến lâu dài. Thực dân Pháp đã hai lần tấn công vào đây để đổ bộ lên Đồng Hới (1885, 1947) nhưng bị quân và dân ta dũng cảm đánh trả. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, các bên ký và thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ (7-1954) buộc quân viễn chinh Pháp phải lũ lượt bước xuống tàu há mồm đậu ở cửa Nhật Lệ để rút về nước.

Trong những năm đánh Mỹ, Quảng Bình là tuyến đầu của miền Bắc, cửa biển Nhật Lệ trở thành chốt chặn ác liệt khi bị Mỹ - ngụy điên cuồng đánh phá nhằm ngăn những chuyến hàng chi viện xuất bến ở cảng Nhật Lệ để đưa vào miền Nam. Từ đây những anh hùng đủ mọi lứa tuổi đã xuất hiện, tiêu biểu là tấm gương “Em bé Bảo Ninh”, anh hùng Trương Pháp, “Mẹ Suốt” nổi tiếng với lời thơ hùng tráng của Tố Hữu: “Một tay lái chiếc đò ngang/Bến Sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày/Sợ chi sóng gió tàu bay/Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!”. Đặc biệt hơn, nơi đầu sóng ngọn gió này đã vinh dự được đón Bác Hồ trong lần Người vào thăm Quảng Bình và Vĩnh Linh ngày 16-6-1957.

Đại thi hào Nguyễn Du trong 4 năm (1809 – 1913) làm quan cai bạ ở Quảng Bình đã rất nhiều lần cảm tác trước vẻ đẹp của biển, cát Nhật Lệ: “Nhật Lệ triều đầu dũng hải môn/Thanh Vị trọc Kinh đồng bất túc/Hoàn hoa lục trúc lưỡng vong ngôn”. Dịch nghĩa: “Nước sông cửa Lệ biển vỗ mình/Vị Kinh trong đục dòng chảy miết/Vàng hoa, xanh trúc đều lặng thinh” (Tặng bạn - tập Nam Trung Tạp Ngâm của Nguyễn Du). Hay khi nói về tâm trạng Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du viết: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?” mà cho đến hôm nay giới nghiên cứu văn học vẫn đang nghiêng về đáp án nơi góc thành cổ Đồng Hới, sát cửa biển Nhật Lệ, chốn ông tá túc lúc làm quan là không gian, địa điểm thuyết phục nhất để chấp bút nên hai câu Kiều thơ mộng này.

Đó cũng là lời minh chứng rõ nét nhất về khung cảnh nên thơ trữ tình của nắng vàng, cát trắng, biển xanh Nhật Lệ từ ngàn xưa đã làm đắm say biết bao tâm hồn thi sĩ; cùng với đó là những tháng năm lịch sử kiên cường về một thời đấu tranh và công cuộc dựng xây của mảnh đất và con người nơi đôi bờ Nhật Lệ.

Cửa Nhật Lệ từ thời cổ đại nhiều thời điểm trở thành chiến địa sống còn của hai quốc gia Đại Việt và Chiêm Thành. Cùng với đó, những áng thơ bất hủ có giá trị nghệ thuật trường tồn với thời gian của vua Lê Thánh Tông hay của Đại thi hào Nguyễn Du được chấp bút tại đây đã làm cho thắng cảnh Nhật Lệ lấp lánh hơn trong dòng lịch sử Quảng Bình và của dân tộc.

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.