Multimedia Đọc Báo in

Dẻo thơm bánh dày trên cao nguyên

05:56, 23/09/2018

Nhắc đến văn hóa ẩm thực của người Tày, Nùng thì không thể không kể đến món bánh dày truyền thống với khâu chế biến kỳ công. Chưa vội bàn đến hương vị, mỗi chiếc bánh được làm ra thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ và mang trong đó cả tâm tình của người làm bánh.

Đã từng kinh qua nhiều lễ hội Văn hóa dân gian của người Tày, Nùng trên cao nguyên Đắk Lắk, bên cạnh những nghi lễ, trò chơi thú vị, điều khiến tôi luôn bị thu hút là nhịp chày rộn rã ở phần thi giã bánh dày của ngày hội. Thông thường, theo phong tục của người Tày, Nùng, người giã bánh sẽ là đàn ông, bởi công việc này đòi hỏi sức khỏe và sự dẻo dai. Thế nhưng khi vào hội, không kể đàn ông trai tráng, phụ nữ lớn tuổi hay những cô gái tuổi đôi mươi cũng hào hứng tham gia giã bánh, tạo nên một không khí vô cùng rộn ràng, sôi nổi.

Làm bánh dày đòi hỏi sự kỳ công.
Làm bánh dày đòi hỏi sự kỳ công.

Theo bà Vi Thị Mơ (xã Tam Giang, huyện Krông Năng), bánh dày là món không thể thiếu trong mâm cỗ của người Tày, Nùng vào các dịp lễ, Tết. Bánh dày kén gạo vì thế không phải loại gạo nào cũng làm được bánh. Muốn bánh dẻo, thơm phải chọn loại lúa nếp nương và không được lẫn dù chỉ một hạt gạo tẻ. Gạo làm bánh được ngâm từ tối hôm trước rồi đem vo, xóc kỹ sau đó đồ thành xôi. Trong quá trình đồ, khi lên hơi, có thể tưới thêm lần nước để khi giã bánh được dẻo hơn. Đặc biệt, khi xôi chín, phải giã ngay lúc còn nóng để bánh mềm, mịn và dẻo. Đây là công đoạn khó nhất, tốn sức nhất để quyết định độ mềm, dẻo của bánh. Ngày xưa, người ta thường dùng cối đá để giã bánh; cứ hai, ba người luân phiên giã liên tục, đều tay trong vòng khoảng nửa giờ đến khi xôi dẻo quánh lại. Sau khi xôi được giã nhuyễn, sẽ được múc ra mâm để tiến hành công đoạn nặn bánh. Bánh được nặn thành hình tròn sau đó ấn dẹt ra, cho thìa nhân vào giữa, rồi gói vỏ bánh lại bọc kín lớp nhân bên trong thành những chiếc bánh trắng muốt, chỉ nhìn thôi là đã muốn cắn một miếng thật to. Thường nhân bánh sẽ được làm từ đường phên (một loại đường thẻ, miếng to chừng bàn tay) trộn cùng vừng hoặc lạc đã được rang thơm và giã nhỏ. Một số người lại thích để bánh kẹp ăn chung với chả giò cho đậm vị.

Có lần, tôi được dịp trải nghiệm làm bánh dày khi đến chơi nhà một người bạn ở thôn Ea Khăl, xã Ea Wy (huyện Ea H'leo). Hôm đó, mọi người trong nhà đang tất bật làm 100 cái bánh dày để chuẩn bị cho cỗ hỏi cưới vào ngày mai. Trong đêm khuya, tiếng chày giã đều đều, tiếng trở bột, nặn bánh cùng giọng cười nói râm ran của mọi người khiến tôi vô cùng hào hứng và cảm nhận đươc cái “tình” của chiếc bánh. Tôi buột miệng hỏi, sao không xay nếp thành bột từ trước rồi nặn thành bánh cho khỏe mà phải nấu xôi rồi cho vào cối giã khiến mọi người cười vang. Họ bảo, đây là công thức làm bánh được truyền lại từ bao đời nay, người làm bánh phải bỏ cái tâm của mình vào mỗi chiếc bánh, phải cẩn thận, tỉ mỉ nấu chín xôi rồi giã thì bánh mới giữ được độ dẻo, thơm, đúng vị của nó.

Các mẹ, các chị tham gia giã bánh dày tại Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc năm 2018 tại xã Ea Tam, huyện Krông Năng.
Các mẹ, các chị tham gia giã bánh dày tại Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc năm 2018 tại xã Ea Tam, huyện Krông Năng.

Bánh dày đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của các ngày hội. Không chỉ là một món ăn ngon miệng, bánh dày còn thể hiện lòng biết ơn của người vùng cao đối với cha ông và đất trời xứ sở. Đồng thời mang ý nghĩa tổng kết sau một năm thu hoạch, gắn kết tình cảm con người với nhau. Giờ đây, cuộc sống vội vã, những chiếc máy giã bánh đã thay thế dần chiếc cỗi giã quen thuộc, thế nhưng hương vị của chiếc bánh vẫn đậm đà, dẻo thơm và mang trọn ý vị, nghĩa tình.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.