Multimedia Đọc Báo in

Nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm của buôn làng

08:00, 09/09/2018

Dù bận việc nương rẫy, chăm sóc gia đình nhưng những người phụ nữ trong các buôn làng Êđê, M’nông vẫn miệt mài ngồi bên khung cửi dệt nên sắc màu văn hóa truyền thống…

Trong chuyến công tác vào huyện Lắk, chúng tôi ghé thăm nhà Yo Thi (SN 1948) ở buôn Biăp, xã Yang Tao. Trong ngôi nhà dài truyền thống của người M’nông, bà Yo Thi đang say sưa bên khung dệt, thấy chúng tôi đến bà mới bỏ dở công việc để tiếp khách.

Bà Yo Thi cho hay, nếu như các buôn phía đông - bắc của xã Yang Tao chuyên làm gốm thì ở đằng tây - nam lại mạnh về nghề dệt thổ cẩm. Thời của Yo Thi, những cô gái mới lớn trong buôn đều giỏi thêu thùa, dệt và đan lát do các bà, các mẹ truyền dạy lại. Từ lúc 8 tuổi, “lửa nghề” đã nhen nhóm trong người Yo Thi thông qua việc sử dụng lại phần chỉ thừa của bà và mẹ rồi nối lại với nhau bắt chước tạo thành khung dệt “mini” để thỏa tính tò mò. Cứ thế Yo Thi yêu công việc dệt như yêu chính buôn làng mình vậy. Một lần nóng lòng muốn thực hành những gì mình đã học được nên Yo Thi lén ngồi vào khung dệt của mẹ. Kết quả bị mẹ phát hiện và mắng cho một trận vì làm hư sản phẩm công phu. Nhưng cũng nhờ thế mà mẹ Yo Thi biết được con gái thật sự yêu nghề truyền thống của dân tộc mình. Và hành trình đến với khung dệt của Yo Thi bắt đầu.

Từ lòng nhiệt huyết dành cho nghề dệt mà sản phẩm của Yo Thi được biết đến là đẹp nhất nhì xã Yang Tao này. Hằng ngày Yo Thi bận lên rẫy chăn đàn bò nên chỉ tranh thủ dệt mỗi buổi sáng sớm hoặc khi chiều muộn. Đó là thói quen hơn 50 năm nay của Yo Thi để “thổi hồn” cho nghề dệt thổ cẩm của đồng bào M’nông nơi đây. Bà không nhớ đã dệt bao nhiêu tấm khố, váy áo, chăn, địu… cho khách, chỉ biết những người dùng sản phẩm của bà đều khen là tinh tế và sắc sảo. Ai đã mua thổ cẩm của Yo Thi một lần thì sẽ quay lại, cứ thế tiếng tăm về tay nghề của bà lan khắp vùng.

Yo Thi dạy cho cháu gái cách dệt thổ cẩm của người M’nông.
Yo Thi dạy cho cháu gái cách dệt thổ cẩm của người M’nông.

Cũng như Yo Thi, vốn được sinh ra trong gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm, tuổi ấu thơ của Amí Kem ở buôn H’Ngô B, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) gắn với hình ảnh khung dệt bên cửa sổ trong nhà sàn ấm cúng. Cả 4 chị em Amí Kem ai cũng thuần thục nghề dệt, tự tay dệt tấm chăn, dây địu em bé phục vụ nhu cầu hằng ngày của gia đình. Amí Kem chia sẻ: “Mẹ mình là người rất kỹ tính, bà dạy cho chị em mình tỉ mỉ từ các cách dựng khung dệt, cách chọn loại chỉ tốt, số lượng chỉ, cách tạo họa tiết cho sản phẩm… cho đến tư thế ngồi dệt làm sao ít bị đau lưng nhất”. Tuy rất bận rộn việc quán xuyến gia đình và chăm sóc con cái, nhưng mỗi buổi sớm hằng ngày, Amí Kem đều ngồi dệt rồi mới làm các công việc khác.

Ami Kem miệt mài với khung dệt bên cửa sổ.
Ami Kem miệt mài với khung dệt bên cửa sổ.

Mỗi khi tụ họp vào ngày cuối tuần, chị em Amí Kem thường chỉ cho nhau các cách làm hoa văn tinh xảo hay những đường nét truyền thống của người Êđê. Ami Kem luôn tìm cơ hội giúp cô con gái 16 tuổi trải nghiệm nghề dệt truyền thống. Tuy nhiên Ami Kem cũng mang nhiều nỗi trăn trở, khi giới trẻ trong buôn làng bây giờ hiếm ai còn mặn mà với khung dệt trước làn sóng công nghiệp hóa. Bởi Ami Kem biết rằng không phải ai cũng may mắn có người cầm tay chỉ việc như con gái của mình.

Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.