Multimedia Đọc Báo in

Tham quan hang Ông Giáp ở Quảng Bình

06:57, 30/01/2019

Nằm trong quần thể núi đá vôi Khe Sung, thuộc địa bàn của xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, qua đoạn đường 10 nối đông với tây Trường Sơn có một quần thể hang động kỳ thú lấy tên là hang Ông Giáp.

Đây chính là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng trú ẩn trong những năm 1972-1973 để khảo sát địa hình, tìm cách an toàn và nhanh nhất đưa sức người, sức của vào chiến trường miền Nam. Hang Ông Giáp cũng là mái đá kín đáo giúp bộ đội Trường Sơn tránh trú, nghỉ ngơi trước khi hành quân vào Nam.  

Hang Ông Giáp là tổ hợp những hang động có các tên gọi khác nhau tùy vào vị trí, mục đích sử dụng hay sự kiện lịch sử gắn với từng hang động cụ thể. Trước hết là hang Khe Sung bởi đôi bên dòng suối dẫn đến hang động này mọc dãy cây sung cổ thụ. Để đến trung tâm của hang động phải vượt qua một ngách nước nhỏ, nước trong hang bốn mùa trong veo. Hang động này sâu chừng 50 m, rộng 30 m được phủ kín nhũ đá, với đủ những hình thù kỳ lạ đầy màu sắc khiến người xem trầm trồ, bỡ ngỡ. Ngoài miệng hang đã được bộ đội tôn cao lên thành khu vực riêng để làm việc.

Thạch nhũ trong hang Ông Giáp.
Thạch nhũ trong hang Ông Giáp.

Hang Ông Giáp không chỉ là một quần thể hang động tuyệt đẹp được bao quanh bởi hệ thống núi đá hùng vĩ, muôn hình vạn trạng mà còn là di tích ghi dấu giai đoạn lịch sử gắn với tài chỉ huy của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và sự chiến đấu anh dũng của quân và dân ta.

Tiếp theo hang Khe Sung là hang Khe Son, nằm cách hang Khe Sung chừng 1 km. Hang Khe Son chính là trụ sở Tổng trạm cơ vụ của Trung đoàn 136, Bộ thông tin liên lạc, gọi tắt là A72. Đây là đơn vị bảo đảm thông tin liên lạc cho các hướng chiến trường, là địa chỉ tiếp đón các phái viên cao cấp của Đảng và Nhà nước cũng như cán bộ tướng lĩnh của Bộ Quốc phòng vào đây để theo dõi và trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch.

Ở đây, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng với các tướng lĩnh khác đã đến thị sát, trực tiếp chỉ huy quân và dân ta chiến đấu trong Chiến dịch đường 9 - Nam Lào lịch sử, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân Lam Sơn 719 của quân đội Mỹ ngụy. Từ những năm 1970, Tổng trạm thông tin A72 đã tập trung xây dựng hai khu làm việc có diện tích mỗi khu 150 m2. Hoạt động từ năm 1967 - 1982, Tổng trạm thông tin A72, Đại đội 7, Trung đoàn 136 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc, góp phần vào sự nghiệp chiến đấu giải phóng đất nước, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tổng trạm Thông tin A72 ở xã Ngân Thủy đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Đến thăm hang Khe Son, bước lên hai khu làm việc kiên cố, bề thế, khách tham quan dường như cảm nhận được không khí hừng hực xung trận của cán bộ, chiến sĩ trong chiến dịch đánh vào Hạ Lào của mùa khô 1972 ngày ấy.

Hồ nước trong hang Ông Giáp.
Hồ nước trong hang Ông Giáp.

Ngược lên dãy núi Khe Sung cũng chừng một cây số sẽ đến hang Văn Công, một hang động thoáng rộng với hệ thống thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ. Nơi đây các anh chị văn công đã biểu diễn các tiết mục văn nghệ phục vụ các đoàn quân vào Nam xung trận. Mặc máy bay địch do thám, bom rơi, đạn nổ ở bên ngoài miệng hang, bên trong lòng hang, các chiến sĩ văn công vẫn múa hát cho bộ đội ngồi xem. Có thể nói, hệ thống hang Ông Giáp thực sự là những cơ sở bí mật, an toàn để tướng lĩnh, cán bộ, bộ đội yên tâm nghỉ dưỡng, tiếp tục hành quân.  

Trong hệ thống hang Ông Giáp chứa đựng nhiều câu chuyện tương truyền linh thiêng, bí ẩn; trong đó vẻ đẹp lộng lẫy, cổ xưa nhất là hang Vàng. Các già làng người Bru - Vân Kiều sống trong dãy núi Khe Sung còn truyền miệng câu chuyện: Khi kinh đô Huế thất thủ ngày 23-5 năm Ất Dậu (5-7-1988), trên đường chạy nạn ra đến Quảng Bình, vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng đã ghé vào hang này trú chân rồi chôn lại trong hang một khối lượng vàng rất lớn. Vào cuối thế kỷ 19, có 2 người Bru - Vân Kiều đi rừng, vào hang trú ẩn rồi tình cờ phát hiện được kho báu nên đã chia sẻ “lộc trời” này với dân bản để mọi người cùng đến lấy. Biết chuyện, một thủ lĩnh trong vùng tham gia phong trào Cần Vương đã đến động viên dân bản nộp lại cho người đại diện của vua Hàm Nghi từ Minh Hóa vào. Người Bru - Vân Kiều đã tự nguyện giao lại hết số vàng cho nhà vua, từ đó hang này được định danh là hang Vàng. Không biết đây là câu chuyện thật hay hư nhưng con cháu người Bru-Vân Kiều sống tại xã Ngân Thủy đời này qua đời khác xưa nay chưa ai nhìn thấy vàng trong hang Vàng bao giờ. 

Hang Vàng có 3 cửa và 4 lỗ thông hơi tạo nên những chiếc giếng trời thăm thẳm; nơi cao nhất khoảng 50 m, rộng nhất hơn 40 m. Hang là nơi sinh sống của rất nhiều dơi nên đến thăm hang, du khách sẽ nghe tiếng dơi đập cánh vù vù, lớp phân dơi dày cộm dưới chân. Hệ thống thạch nhũ trong hang Vàng vẫn còn nguyên vẹn với đa đạng các hình thù, kích thước, màu sắc, thành phần và độ tinh khiết. Bước vào hang, ngắm nhìn những dòng nước chảy xuống từ trần hang, được chạm tay vào những tinh thể thạch nhũ lấp lánh, đẹp tuyệt vời với những âm sắc khác nha, chắc chắn du khách sẽ ấn tượng đến không thể nào quên.

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.