Multimedia Đọc Báo in

Dạo chợ mai nhánh Buôn Ma Thuột ngày giáp Tết

20:25, 03/02/2019

Như đã hẹn cứ đến những ngày giáp Tết, nhiều khách hàng lại dạo chợ mai nhánh Buôn Ma Thuột để tìm mua cho mình một nhánh mai ưng ý về chưng.

Chợ mai nhánh nằm khá khiêm tốn ở góc đường Trường Chinh - Trần Hưng Đạo và Trần Hưng Đạo - Nguyễn Tất Thành (TP. Buôn Ma Thuột). Chợ mai nhánh bắt đầu họp từ ngày 24 tháng chạp (âm lịch).  

1
 Nhiều khách hàng đang lựa mua mai nhánh.

Độc đáo của chợ mai nhánh ở chỗ người bán không chỉ là các chủ nhà vườn trồng mai rồi cắt nhánh ra bán, mà người bán là anh thợ hồ, thợ cơ khí, bác xe ôm… tranh thủ những ngày giáp Tết bán vài nhánh mai kiếm tiền mua tấm áo mới, mua ít bánh, mứt. Và người bán mai nhánh còn vì niềm đam mê mai rừng, nhưng hiện nay mai rừng không còn nữa đành chuyển sang mai nhà. Mai nhánh đến chợ Tết chủ yếu từ các vườn mai ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), xã Tâm Thắng (huyện Cư Jut) và huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), khác với mai chậu đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Bình Định, Phú Yên...

Một  người bán mai nhánh đang chăm chút
Một người bán mai nhánh đang chăm chút cho cành hoa tươi lâu, bắt mắt hơn.

Đỗ Đức Sơn năm nay 25 tuổi nhưng có thâm niên hơn 10 năm bán mai nhánh ở chợ này. Sơn làm việc tại một garage ôtô trên đường Y Moan (TP. Buôn Ma Thuột), nhưng cứ đến gần Tết lại ra đây bán mai. Tết năm nay anh đem ra chợ 4 nhánh mai, nhánh lớn nhất có giá 5 triệu đồng (gọi là nhánh nhưng thật ra là cưa nguyên gốc mai), còn các nhánh nhỏ có giá dưới 1 triệu đồng. Một số nhánh mai là của nhà Sơn trồng ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), còn một vài nhánh Sơn mua huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông). Sơn cho biết, bán mai nhánh một phần kiếm ít tiền lời tiêu tết, nhưng quan trọng hơn là vì niềm đam mê và vì thích không khí chộn rộn mua sắm của những ngày giáp Tết.

3
 Mai nhánh đẹp mộc mạc, tự nhiên.

Anh Nguyễn Công Tích (50 tuổi), ở xã Tâm Thắng (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) làm nghề thợ xây, gắn bó với nghề bán mai nhánh hơn 30 năm. Những năm trước, anh Tích đem rất nhiều mai nhánh ra chợ bán, còn năm nay một phần do thời tiết sương muối làm mai không bung nụ, đơm bông và nhận định sức mua yếu do giá nông sản xuống thấp nên anh chỉ đem ra đây hai nhánh mai. Đây là hai nhánh mai mà trong quá trình đi làm thợ hồ, anh Tích thấy đẹp nên đặt cọc cho nhà vườn mua, đầu tháng Chạp đến chặt đưa về nhà trảy lá, đốt gốc, ngâm vào chậu nước để nuôi cành, chờ ngày họp chợ bán kiếm chút tiền lời về lo Tết cho gia đình.

Cả một góc phố
Một góc phố vàng rực mai nhành.

Còn vợ chồng ông Đặng Văn Thông (45 tuổi) ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) là người bán mai nhánh có tiếng ở chợ này, ngoài số lượng nhiều còn bởi sở hữu những cành mai đẹp. Ông Thông có 5 sào đất trồng mai, những khách hàng đã quen chưng mai của ông đến tận vườn để chọn mua những nhánh ưng ý. Ông Thông cho hay, khi cắt cành, phần gốc còn lại sẽ nẩy chồi và vài năm sau lại có nhánh mới. 

Giá mai nhánh năm nay không tăng so với Tết năm trước mỗi nhánh dao động từ 15.000 đồng - 5 triệu đồng, tùy theo hình dáng, búp lá). Anh Nguyễn Văn Đồng (ở đường Ama Khê, TP. Buôn Ma Thuột) vừa mua một nhánh mai giá 150.000 đồng cho hay: "Nhà đã có chậu hoa hồ điệp, chậu hoa cúc, nhưng vẫn thích mua thêm một nhành mai về chưng. Không có mai thì chưa có Tết". Còn anh Lê Văn Nghĩa (phường  Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) hào hứng nói: “Dạo chợ mai từ sáng đến giờ tôi cũng chọn được một nhánh mai ưng ý:  vừa có nụ, vừa có hoa to, sáng, chắc chắn sẽ nở rộ đúng mùng1 Tết. Mai nhánh đẹp mộc mạc tự nhiên, hoa lâu tàn, nên Tết năm nào cũng ra chợ chọn mua một nhánh về chưng để lấy lộc đầu năm”.

Chở lộc về nhà
Chở lộc về nhà.

Khác với loại mai chậu, nhánh mai chỉ tỏa “hương sắc cho đời” trong vài ngày. Do vậy, những người bán mai nhánh luôn có tâm trạng thấp thỏm, sợ hàng tồn đọng thì coi như lỗ công chăm sóc, lỗ vốn đầu tư. Tết năm nay sức mua chậm hơn mọi năm. Song những người bán mai nhánh vẫn tin “Dù có bán chậm nhưng chưa năm nào mai nhánh ế cả”.


Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.