Multimedia Đọc Báo in

Nam Nhã Đường: "Địa chỉ đỏ" đất Cần Thơ

18:56, 23/02/2019

Cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 5 km trên đường đi Long Xuyên, Nam Nhã Đường (thường gọi là chùa Nam Nhã, chùa Minh Sư) tọa lạc phía hữu ngạn, đầu vàm sông Bình Thủy. Đây là một ngôi chùa cổ nổi tiếng trên 100 năm tuổi, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Chùa Nam Nhã có mặt tiền nhìn ra sông, bên kia là đình Bình Thủy và xóm Lưới. Trước chùa có những cây sao cổ thụ cao vút, bên trong sân có những cây tùng, bách lá xanh tươi bốn mùa. Nam Nhã Đường có kiến trúc khác hẳn với các ngôi chùa thông thường khác, chùa giống như những ngôi nhà cổ theo phong cách phương Tây vào những thế kỷ 18, 19; có lẽ do lần xây dựng, tái thiết vào năm 1905.

Chùa Nam Nhã.
Chùa Nam Nhã.

Theo các tư liệu, người sáng lập ra chùa là ông Nguyễn Giác Nguyên, bí danh là Nguyễn Phương Thảo, đạo danh là Long Khê đạo nhân, đạo hiệu là Nguyễn Đạo Cơ còn gọi là Lão Cao Thái. Ông tham gia phong trào Đông Du rất sớm, làm kinh tài cho phong trào, được Kỳ ngoại Hầu Cường Để rất tin cậy. Do tham gia tích cực vào các phong trào chống Tây thời ấy, Lão Cao Thái Nguyễn Giác Nguyên đã bị thực dân Pháp cầm tù hai lần ở khám lớn Mỹ Tho. Vào thời gian trước năm 1930, Nam Nhã Đường có quan hệ mật thiết với các sĩ phu yêu nước của phong trào Đông Du như: Nguyễn An Khương, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Thần Hiến… Họ đã quyên góp khá nhiều tài vật, tạo điều kiện cho thanh niên, học sinh xuất dương qua Nhật Bản, Trung Quốc và các nước phương Tây du học nhằm nâng cao trình độ, kiến thức, lý luận chính trị nhằm đấu tranh giải phóng dân tộc theo đường lối Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng… Ngày 7-6-1926, tổ chức Việt Nam quang phục hội (sau đổi thành Việt Nam phục quốc hội) ra đời gồm nhiều người yêu nước của Cần Thơ và Long Xuyên tập hợp lại như: Châu Văn Liêm, Trần Ngọc Quế, Lê Văn Sô, Trần Kim Giáp,Trần Kỳ Ngưu, Trần Nhựt Tân, Nguyễn Ngọc Cảnh, Nguyễn Văn Hiển, Trần Minh Quân… Ít lâu sau, đồng chí Ngô Gia Tự về chùa Nam Nhã liên hệ với Việt Nam phục quốc hội tổ chức thành lập Việt Nam cách mạng đồng chí hội gồm các đồng chí: Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Tây, Hà Huy Giáp, Trần Ngọc Quế, Thái Thị Nhạn… Tháng 9-1929, Đặc ủy An Nam Cộng sản đảng Hậu Giang ra đời tại Bình Thủy. Chùa Nam Nhã chính là nơi liên lạc, hội họp giữa Đặc ủy với Xứ ủy Nam Kỳ.

Sau ngày thống nhất đất nước, Thủ tứớng Phạm Văn Đồng đã tặng chùa Nam Nhã Bằng “Có công với nước” với những dòng chữ: “Vì đã nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực giúp đỡ và bảo vệ Cách mạng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám”.

Chùa Nam Nhã thờ “Lão – Nho - Phật”, mang màu sắc triết thuyết “Tam giáo đồng nguyên”. Giữa chánh điện, dưới ánh sáng của những ngọn đèn treo (huyền đăng), ta sẽ thấy tượng Phật Thích Ca mâu ni ngồi giữa, bên phải là Lão Tử (Thái Thượng lão quân), bên trái là Đức Khổng Tử. Người tu ở chùa này hay tu tại gia không phải cạo đầu, khi hành lễ mặc áo dài đen và đội mão đen. Đây cũng là nét khác biệt với các phái Phật giáo Nam Tông, Bắc Tông… Những năm đầu của thế kỷ trước, đến những năm trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945, do bối cảnh lịch sử và xã hội thời ấy có rất nhiều biến động, nhiều tôn giáo có nguồn gốc Phật giáo xuất hiện như: Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương vùng Thất Sơn, Châu Đốc, Cao Đài vùng Tây Ninh, Bến Tre, Phật giáo Hòa Hảo vùng Chợ Mới, Long Xuyên… Nam Nhã Đường có lẽ cũng nằm trong trường hợp đó, thích nghi hoàn cảnh để dễ bề hoạt động chống ngoại xâm.

Chùa Nam Nhã và số đông bà con tín đồ trong các thời kỳ trước và sau khi có Đảng, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã đóng góp rất nhiều sức người, sức của cho cách mạng. Có thể nói đây là một “địa chỉ đỏ”, nơi hội họp, liên lạc của nhiều cán bộ cách mạng chủ chốt, cấp cao của Đảng, nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng trong những thời điểm gian nan, ác liệt. Chùa được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1991.    

Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc