Multimedia Đọc Báo in

Nâng tầm giá trị thổ cẩm

09:26, 06/02/2019
Đã có thâm niên hơn 10 năm làm nghề thiết kế cho các sản phẩm công nghiệp 3D với mức thu nhập rất cao, vậy mà anh Huỳnh Nguyên Thông (SN 1987) bỏ cả vị trí Giám đốc sản xuất của một hãng ô tô để khởi nghiệp lại từ đầu bằng một cửa hàng thời trang thổ cẩm. Đến nay, anh đã định vị một giá trị mới cho thổ cẩm dân tộc Tây Nguyên với thương hiệu “Thông Bahnar Brocade” tại TP. Hồ Chí Minh.

Chứng kiến anh Thông say sưa trò chuyện về thổ cẩm với các mẹ, các chị tại buôn Cư Dluê (xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột), khó tin rằng đó là một “kẻ ngoại đạo” với ngành thời trang, với nghề dệt thổ cẩm như anh vẫn tự nhận.

Với tâm huyết quyết tâm trong việc định hình giá trị mới cho thổ cẩm dệt tay của các dân tộc, anh Thông đã và đang tạo được những hiệu ứng tích cực với khách hàng. Anh tin rằng, thổ cẩm của các dân tộc Tây Nguyên xứng đáng với sự yêu mến và trân trọng của mọi người.

Sinh ra và lớn lên ở Kon Tum, từ nhỏ anh có nhiều bạn bè là người dân tộc thiểu số tại chỗ như Bana, Jarai, Êđê... Họ thường tặng anh túi xách hay khăn choàng thổ cẩm được dệt bằng tay. Thời điểm đó những món quà được anh nâng niu giữ gìn như là một kỷ niệm, nhưng càng lớn anh càng nhận ra đó còn là một loại tài sản thật sự có giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần. Anh thử mang các sản phẩm này xuống TP. Hồ Chí Minh để giới thiệu và thấy mọi người thích thú đón nhận. Từ đó anh có thêm động lực tìm hiểu sâu hơn về nghề dệt thổ cẩm, một nét văn hóa độc đáo đang dần bị mai một và quyết định từ bỏ công việc đang làm, tập trung hoàn toàn vào việc phát triển thổ cẩm. Anh nhận thấy, ngày nay người làng hầu hết đã chuyển sang dệt thổ cẩm bằng sợi chỉ công nghiệp, hay sợi len có sẵn, tuy nhiều màu sắc nhưng thiếu hẳn đi cái hồn như sản phẩm được làm thủ công. Trong khi đó, thổ cẩm từ xa xưa được dệt từ sợi bông và nhuộm màu tự nhiên, tạo nên chất riêng độc đáo và có giá trị cao. Từ đó, anh càng quyết tâm khôi phục lại nghề dệt truyền thống của các dân tộc, dù biết rằng con đường này có rất nhiều khó khăn.

Mẫu áo dài phối thổ cẩm do anh Huỳnh Nguyên Thông (bìa trái) thiết kế. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Mẫu áo dài phối thổ cẩm do anh Huỳnh Nguyên Thông (bìa trái) thiết kế. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nơi đầu tiên anh muốn khôi phục chính là làng dệt của người Bana ở Kon Tum. Bên cạnh việc học hỏi kỹ thuật dệt, nhuộm và hoa văn hiện có của thợ dệt, anh còn chịu khó nghiên cứu các tư liệu cổ về hoa văn thổ cẩm, trên cơ sở đó sáng tạo ra hoa văn mới, kỹ thuật nhuộm và nguyên liệu nhuộm mới, hoàn toàn tự nhiên, an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Bây giờ, thổ cẩm của anh ngoài màu cơ bản như chàm, đen còn rất nhiều màu khác. Đặc biệt, anh đề cao phát triển dệt từ sợi bông tự nhiên. Trên thực tế, nguồn bông vải tự nhiên hiện nay rất khan hiếm, nên ngoài việc tìm mua sợi bông từ khắp nơi, anh cũng thử nghiệm tự trồng loại cây này. Để nghề dệt truyền thống phát triển, anh Thông đã đa dạng các sản phẩm thổ cẩm phục vụ cho đời sống hiện đại, từ trang phục đến nội thất sang trọng... thu hút khách hàng ở nhiều phân khúc nhờ vẻ độc đáo, tươi mới.

Sản phẩm thổ cẩm do anh Huỳnh Nguyên Thông thiết kế sử dụng trong phòng ngủ. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Sản phẩm thổ cẩm do anh Huỳnh Nguyên Thông thiết kế sử dụng trong phòng ngủ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hiện nay, ngoài thổ cẩm Bana, anh Thông còn đang tìm hiểu và sử dụng thổ cẩm Êđê vào các sản phẩm do anh thiết kế. Anh tâm sự, thổ cẩm của dân tộc Êđê rất đẹp nhưng để phát triển phải thay đổi rất nhiều. Đơn cử như bố cục sắp xếp hoa văn còn nhiều đường chỉ nhỏ, màu sắc chủ đạo chủ yếu là đỏ và đen... khiến tấm thổ cẩm khó đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, điển hình như thời trang. Muốn phát triển thật sự cần tích cực sáng tạo và thử nghiệm cái mới, để sản phẩm phong phú và đa dạng hơn. Bởi bảo tồn không chỉ mang ý nghĩa gìn giữ những yếu tố cũ mà cũng cần phải biến tấu sao cho phù hợp với xu thế chung, vừa để lưu giữ và phát triển.

Mai Sao

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.