Multimedia Đọc Báo in

Việt Bắc thu nhỏ giữa lòng Tây Nguyên

09:42, 04/02/2019

Nằm cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột gần 70 km về phía Đông Bắc, xã Ea Tam (huyện Krông Năng) là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em như: Tày, Nùng, Hmông, Thái... Mưu sinh trên vùng đất mới, thế nhưng đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc di cư đến đây vẫn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Rộn ràng lễ hội văn hóa dân gian

“Đến hẹn lại lên”, cứ vào dịp rằm tháng Giêng, hàng nghìn đồng bào Việt Bắc sinh sống trên mảnh đất Tây Nguyên lại nô nức kéo về xã Ea Tam để tham dự Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc. Giữa nắng xuân ấm áp, gió nhè nhẹ của những ngày đầu năm, bà con xúng xính váy áo rực rỡ sắc màu về dự Hội. Đây là dịp nhiều nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc phía Bắc được tái hiện một cách chân thực và sinh động như: Lễ cúng Thổ Công, nghi Lễ cầu mùa, Hội du Xuân - Cầu lộc, nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bà con có một cuộc sống ấm no, đủ đầy.

Sau phần lễ là phần hội với nhiều phần thi sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc phía Bắc. Ở phần thi ẩm thực, những người con xa quê được dịp cùng nhau thể hiện tài nghệ, sự khéo léo qua việc chế biến những món ẩm thực dân dã, đậm đà hương vị quê hương như: nấu rượu men lá, làm bánh chưng, giã bánh dày, bánh khảo, làm xôi ngũ sắc, quay heo mắc mật… Nhịp chày giã bánh đều đều, tiếng than nổ tí tách, những con heo quay vàng rộm cùng lá mắc mật tỏa mùi thơm quyến rũ, mùi thơm của nếp…, tất cả tạo nên một không khí rộn ràng, đậm chất của người miền núi phía Bắc.

Những nếp nhà sàn ở làng Quảng Hòa, xã Ea Tam, huyện Krông Năng.
Những nếp nhà sàn ở làng Quảng Hòa, xã Ea Tam, huyện Krông Năng.

Không chỉ cuốn hút ở phần thi ẩm thực, những trò chơi dân gian đặc sắc của các dân tộc: Tày, Nùng, Thái, Mường, Hmông… được chọn lọc đưa vào tổ chức như: kéo co, đẩy gậy, tung còn, lày cỏ… khiến người xem hào hứng, hò reo không ngớt. Trong đó, thu hút nhất là Hội tung còn. Những quả còn được khâu bằng vải, có tua rua nhiều màu sắc, được người chơi thi nhau ném lên vòng tròn, liệng bay như những cánh chim én giữa bầu trời xuân. Đêm đến, dưới ánh trăng vàng của tiết trời rằm tháng Giêng, cùng điệu múa xòe của người Thái, những điệu hát then, lượn hòa vào tiếng đàn tính của người Tày, Nùng vang vọng giữa không gian bao la, như mang cả hội Xuân Việt Bắc về giữa đất trời Tây Nguyên, khiến lòng những người con xa quê ấm lại… Đây cũng là dịp để bà con có cơ hội trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe, công việc, mùa màng sau một năm làm lụng vất vả. Nhiều người hay gọi Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc là “Chợ tình”, bởi lẽ dịp này nhiều nam thanh nữ tú đến đây, họ gặp gỡ tâm tình rồi cùng nhau hẹn ước trước khi nên vợ nên chồng:

 “Yêu nhau nói thật lòng mình

Nhớ nhau thì đến chợ tình Ea Tam”…

Lưu giữ hồn quê

Di cư vào vùng đất Đắk Lắk lập nghiệp, đồng bào Tày, Nùng chiếm hơn 80 % dân số ở Ea Tam. Xa quê, nhưng họ vẫn lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, để hòa vào dòng văn hóa của các dân tộc anh em khác cùng chung sống trên quê hương mới. Thật là thiếu sót nếu đến Ea Tam mà không dừng chân thưởng thức món bánh cuốn độc đáo của người Tày, Nùng. Nơi đây, các quán bánh cuốn rất đơn sơ, có khi chỉ là một tấm biển nhỏ ghi 2 chữ “bánh cuốn”, thế nhưng lúc nào cũng nườm nượp khách. Những chiếc bánh cuốn nóng mềm dẻo, với nhân thịt heo, mộc nhĩ hoặc nhân trứng, ăn cùng với nước xương heo nóng sốt được ninh nhừ. Bên cạnh đó còn có giò lụa, măng ớt mắc mật ăn kèm cho đậm vị. Tất cả hòa quyện lại, tạo nên một mùi vị rất lạ, đặc trưng của người dân miền núi, khó có thể quên. Nó đã trở thành một thức quà quen thuộc, làm say đắm biết bao thực khách lần đầu đặt chân đến nơi này. 

Bên cạnh đó, bà con ở đây vẫn giữ nghề nấu rượu truyền thống. Những chén rượu men lá êm, nồng và thơm phức được chế biến từ công thức gia truyền, mà điều đặc biệt nằm ở men lá. Men được tạo nên từ những lá cây rừng, trải qua nhiều công đoạn để ủ thành men, sau đó đem nấu thành nhiều loại rượu như rượu sắn, ngô, gạo… Vào ngày Tết Nguyên đán hay dịp lễ hội thì rượu men lá là thứ không thể thiếu, dùng tiếp đãi khách của bà con nơi đây.

Thi gói bánh chưng tại Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc năm 2018.
Thi gói bánh chưng tại Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc năm 2018.

Trải qua bao thăng trầm đổi thay của cuộc sống, những nếp nhà sàn của người Nùng An vẫn được người dân gìn giữ, mà thể hiện đậm nét nhất là ở làng Quảng Hòa, thôn Tam Điền (xã Ea Tam). Ông Hoàng Đình Tân, Bí thư Chi bộ thôn Tam Điền chia sẻ, làng Quảng Hòa 100% là người Nùng An, làng có 57 hộ thì cũng có chừng ấy nóc nhà sàn. Đặc biệt, những nếp nhà sàn ở đây đều do bà con trong làng cùng nhau dựng nên, không gọi bất cứ người thợ ở bên ngoài nào. Trải qua thời gian, nhà sàn xuống cấp, hư hỏng, bà con cũng phụ nhau tu sửa lại, tuyệt nhiên không ai làm nhà xây cả. Bởi họ sống trên nhà sàn quen rồi, xa quê nhưng họ vẫn giữ nếp sống như ở nơi chôn rau, cắt rốn của mình. Dưới chân ngọn đồi, những nếp nhà sàn đơn sơ nằm san sát nhau. Chiều đến, khói bếp từ những nóc nhà bốc lên nghi ngút, một vài chú gà cục tác, tạo nên khung cảnh một vùng quê rất đỗi yên bình.

Bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam cho biết, văn hóa là nguồn cội, hồn cốt của dân tộc. Cùng với sự ý thức của người dân, Đảng bộ, chính quyền xã Ea Tam cũng quan tâm và tạo điều kiện để đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của bà con, làm cho diện mạo đời sống văn hóa ở đây ngày càng phong phú. Đồng thời, thông qua các lễ hội cũng khuyến khích, giáo dục bà con giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa vốn có của dân tộc mình.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.