Multimedia Đọc Báo in

Bản giao hưởng văn hóa đa sắc màu bên dòng Sêrêpôk

10:34, 26/03/2019

Mặc dù những năm qua, sự giao thoa giữa các nền văn hóa diễn ra mạnh mẽ, song 18 dân tộc anh em cùng sinh sống ở huyện vùng biên Buôn Đôn vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.

Ở Buôn Đôn, người Lào sống cộng cư với người Êđê, M’nông, Gia Rai… Vào những ngày lễ hội, nét đẹp truyền thống của người Lào không chỉ thể hiện qua điệu múa Hoa Chăm pa, điệu múa Lăm Vông mà còn qua bàn tay tài hoa của người thợ tạc tượng gỗ. Bằng tình yêu và lòng say mê với với những bức tượng gỗ dân gian, từ lúc còn nhỏ, anh Su Wát Lut (dân tộc Lào ở buôn Yang Lành, xã Krông Na) đã tự mày mò, học hỏi cách điêu khắc từ người ông, người cha của mình. Với những công cụ thô sơ như rìu, dao, đục... những khúc gỗ tưởng chừng như vô tri, vô giác, dưới đôi tay tài hoa và trí tưởng tượng phong phú của anh đã trở thành những vật có hồn, vừa ẩn chứa hồn thiêng, vừa mang đậm giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, nghề thủ công độc đáo cần được gìn giữ, khôi phục và phát huy.

Tại cuộc thi khắc tượng trong lễ hội lần này, anh Su Wát Lut mang đến cho khán giả tác phẩm với chủ đề “Tình mẫu tử”. Bức tượng thể hiện hình ảnh người mẹ làm việc cùng con nhỏ luôn đi bên cạnh, nhắc nhở mỗi người con phải luôn nhớ về người sinh thành ra mình. “Thế hệ chúng tôi trước đây tuy đời sống vật chất khổ cực hơn bây giờ nhưng các sinh hoạt văn hóa truyền thống thì lại rất phong phú. Tôi tự nghĩ phải làm tất cả để đánh thức lòng tự hào cội nguồn nơi con cháu”, anh Su Wát Lut tâm sự.

Anh  Su Wát Lut (dân tộc Lào) cùng  tác phẩm tạc tượng gỗ  dân gian
Anh Su Wát Lut (dân tộc Lào) cùng tác phẩm tạc tượng gỗ dân gian "Tình mẫu tử".

Cũng như anh Su Wát Lut muốn đem nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình tới du khách, chị Hà Thị Tuyệt (dân tộc Mường, thôn 9, xã Ea Wer) rất tâm đắc với nghề dệt thổ cẩm.Thổ cẩm của người Mường có màu sắc nổi bật, sặc sỡ, họa tiết là những hình ảnh cách điệu từ hoa dẻ, quả trám... Trong không khí tất bật người se sợi, người dệt, người thêu, ai nấy đều say sưa với công việc của mình, chị Tuyệt chia sẻ: “Nghề dệt thổ cẩm của người Mường đã có từ hàng trăm năm nay, công cụ dệt chỉ là những khung cửi thô sơ làm bằng tre, gỗ, nên để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ dệt tốn rất nhiều thời gian và công sức”.

Nghệ nhân Hà Thị Tuyệt (dân tộc Mường) dệt chiếc khăn quàng đặc trưng của người Mường.
Nghệ nhân Hà Thị Tuyệt (dân tộc Mường) dệt chiếc khăn quàng đặc trưng của người Mường.
 

Trong quá trình sinh sống, nét văn hóa các dân tộc đã có ít nhiều sự pha trộn lẫn nhau, tuy nhiên, lễ hội được thực hiện bởi chính những con người nơi đây là một hình thức để phát huy thế mạnh và nét riêng của mỗi dân tộc, qua đó có thể quảng bá rộng rãi cho du khách thấy được hình ảnh cuộc sống và con người của các dân tộc ở Buôn Đôn.

 
 
Ông Vũ Minh Thoại, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Buôn Đôn

Ít họa tiết cầu kỳ hơn người Mường, trên những tấm chăn của chị H’Bruih Êban (dân tộc Êđê) lại chia thành 2 mảng màu sáng – tối đối lập. Nửa màu sáng thể hiện sự vui vẻ, nồng nhiệt tượng trưng cho không khí vui tươi trong lễ hội; nửa màu tối nói lên cuộc sống sinh hoạt nương rẫy của người Êđê, xen vào là những họa tiết hình con thoi bắt mắt. Đó cũng là lễ vật thiêng liêng mà người mẹ muốn dành cho con gái khi về nhà chồng.

Đặc biệt, để tô thêm màu sắc đa dạng của văn hóa các dân tộc, trong đêm khai mạc Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn, 18 cặp nam nữ mang những khay trầu têm cánh phượng mời các đại biểu, khách du lịch, nói lên nét văn hóa riêng biệt của người dân Kinh Bắc khi “khách đến chơi nhà”. Đây là lần đầu tiên trong lễ hội, tục mời trầu được đưa vào để thể hiện như một lời chào thân mật và sự hiếu khách của người dân Buôn Đôn .

Lần đầu tiên đến dự Lễ hội này, bà Lê Thị Thanh Lam, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Hậu Giang phấn khởi bày tỏ: “Trước đây tôi đã được thưởng thức văn hóa mời trầu ở miền Bắc, nhưng không ngờ lại có thể thưởng thức miếng trầu têm cánh phượng của những người dân Kinh Bắc ở miền đất đỏ Tây Nguyên. Dù là một huyện biên giới có đời sống kinh tế còn khó khăn, nhưng lễ hội đã gắn kết được tinh thần hòa ca của 18 dân tộc anh em mà vẫn  không mất đi bản sắc của từng dân tộc, đó là điều rất đáng quý”.

Băng Châu

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.