Multimedia Đọc Báo in

Để lời then mãi ngân vang

12:09, 29/03/2019

Nhiều năm qua, âm thanh trầm bổng của đàn tính quyện cùng lời then ngọt ngào được ngân vang ở các thôn, buôn của xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ). Để lưu giữ nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc, đồng bào Tày, Nùng trên quê hương mới đã thành lập nên Câu lạc bộ Hát then Bình Thuận (CLB Hát then).

Tranh thủ thời gian rảnh cuối tuần, các thành viên của CLB Hát then lại gặp mặt tập luyện. Anh Lương Văn Hậu, phụ trách CLB chia sẻ: Khi mới thành lập vào năm 2016, CLB chỉ có vài người, nhưng đến nay đã có 10 thành viên, đến từ các thôn, buôn của xã. Mới đầu, CLB hoạt động chỉ để thỏa niềm đam mê của người yêu đàn tính, hát then nhưng dần dà, chúng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của cộng đồng. Lời hát mượt mà hòa quyện cùng tiếng đàn thiết tha, trầm bổng không chỉ cầu chúc an lành, may mắn, mà còn gắn liền hoạt động tín ngưỡng, đời sống tâm linh của họ. Chung đam mê khiến các thành viên CLB dần trở nên thân thiết, thường xuyên chia sẻ buồn vui trong cuộc sống.

Các thành viên CLB Hát then Bình Thuận.
Các thành viên CLB Hát then Bình Thuận.

Khó khăn nhất với các thành viên CLB là quãng thời gian đầu sinh hoạt. Để có thể duy trì hoạt động thường xuyên, các thành viên phải tự đóng góp kinh phí, sắm sửa đàn tính, bộ xóc, trang phục biểu diễn... Trong khi đó, hầu hết trong số họ đều làm nông, quanh năm ruộng vườn nên thu nhập chẳng đáng là bao, thời gian lại quá eo hẹp. Vì “say” tiếng đàn tính, nên nhiều đêm, dù đã khuya, nhưng các nghệ nhân vẫn mải mê tập luyện, rồi sáng ngày lại tiếp tục "đánh vật" với ruộng nương. Nhờ chuyên cần, chịu khó, đến nay, CLB không chỉ biểu diễn ở thôn, xóm, mà đã dần tham gia các sự kiện lớn, nhỏ ở địa phương. Thậm chí, CLB còn "đắt show"  tại các chương trình, liên hoan, ngày hội và dự thi đạt giải cao. Đơn cử, năm 2018, CLB đã xuất sắc giành giải Ba tại Ngày hội văn hóa thể thao đồng bào các dân tộc thiểu số do thị xã Buôn Hồ tổ chức.

Nhiều năm tham gia CLB, bà Nông Thị Hai không chỉ cùng các thành viên sưu tầm thêm các bài then cổ, mà còn ra sức truyền dạy cho con cháu cách đánh đàn tính, các điệu then, thần thái khi biểu diễn... Ngày mới vào Đắk Lắk, bà vẫn thỉnh thoảng ngân nga lời then để vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Bà hy vọng, các thế hệ người Tày, Nùng trên quê hương mới Bình Thuận sẽ tiếp tục gìn giữ điệu then, đàn tính quê nhà. Thế nên họ hăng say tập luyện, sưu tầm thêm nhiều điệu then mới để truyền thống văn hóa ấy không bị mai một, đến gần hơn với nhiều người.

Là một trong những thành viên trẻ nhất của CLB, anh Lương Văn Hậu cho biết, điệu then đã ngấm vào tâm thức anh từ khi còn rất nhỏ. Hơn 20 năm rời Cao Bằng, lập nghiệp trên quê hương mới, anh chưa lúc nào quên loại hình nghệ thuật này. Hiện có rất nhiều bạn trẻ hát then, đàn tính nhưng không đam mê. Anh hy vọng từ CLB này, lớp trẻ sẽ thay đổi nhận thức, không còn thờ ơ với loại hình văn hóa đặc sắc của dân tộc mình để lời then mãi ngân vang.

Ông Trịnh Minh Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Bình Thuận cho biết, trên địa bàn xã hiện có khoảng 30% dân số là đồng bào dân tộc Tày, Nùng chủ yếu từ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng đến lập nghiệp. CLB Hát then ra đời không chỉ bảo tồn, lưu giữ truyền thống văn hóa, mà còn là sân chơi bổ ích, góp phần gắn kết đồng bào các dân tộc, qua đó cùng động viên nhau nỗ lực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương mới.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.