Multimedia Đọc Báo in

Dạo chơi ở xứ Mường Thu Cúc

14:19, 06/04/2019

Người dân xứ Mường vẫn gọi vùng đất Thu Cúc (Tân Sơn, Phú Thọ) là “nàng công chúa ngủ trong rừng” bởi vẻ đẹp thơ mộng và hữu tình. Mỗi khi đặt chân đến nơi đây, con người như bị quyến rũ và say đắm chẳng muốn rời chân...

Vùng đất Thu Cúc vốn là nơi sinh sống từ lâu đời của cư dân bản Mường, là vùng đất cổ của đất Tổ Hùng Vương. Địa hình đồi núi hiểm trở đã tạo cho Thu Cúc một vẻ đẹp riêng mà hiếm nơi nào có được. Đặc biệt, vùng đất này lại giáp ranh với hai tỉnh Sơn La, Yên Bái - là cung đường đưa du khách đến những địa danh hấp dẫn như Mộc Châu (Sơn La), Suối Giàng, Nghĩa Lộ (Yên Bái). Người Mường nơi đây vẫn bảo rằng, con gà trống của Thu Cúc cất tiếng gáy gọi người Mường thức dậy đi nương rẫy thì cả ba tỉnh đều nghe tiếng. Đó là một trong những nét riêng của vùng đất này.

Thác nước chảy từ sông Bứa  tuyệt đẹp.
Thác nước chảy từ sông Bứa tuyệt đẹp.

Truyền thuyết kể rằng, xưa kia, ở xứ Mường Thu Cúc vốn đất đai tươi tốt, rừng rú rậm rạp, núi non hiểm trở. Người dân tộc Mường di cư từ xứ Mường Bi, Mường Bang (Hòa Bình) đến sống quần tụ dưới chân những ngọn núi cao sừng sững, bên những con suối và sinh sống bằng hái lượm, trồng lúa nước, thuần phục thú rừng. Bỗng vào một năm, trời không có mưa, đất đai hạn hán, cỏ cây héo úa, mất mùa, đói kém, nhiều người phải rời bỏ đất Mường để đi nơi khác sinh sống.

Lúc đó, ở Thu Cúc có một người con gái xinh đẹp, nết na, chăm chỉ đã tình nguyện rời bản Mường đi tìm giống lúa về để cứu dân làng. Nàng đi ngày này qua ngày khác, không quản ngại nắng mưa, thú dữ, trèo đèo lội suối, đến các bản Mường khác để tìm bằng được hạt lúa về cho dân làng. Một ngày kia, nàng trở về trên tay cầm theo chùm lúa giống nhưng đến cửa Mường nàng bị hãm hại. Người dân xứ Mường chỉ tìm thấy bó lúa giống và đôi dép của nàng. Biết đây là những hạt lúa mà người con gái giàu lòng thương yêu dân làng tìm được, người ta chia đều hạt giống cho các gia đình để gieo trồng. Từ đó, giống lúa quý mà nàng Cúc tìm được đã nhân giống khắp bản Mường, cho những mùa màng bội thu, nhân dân xứ Mường được no ấm đời đời.

Biết ơn nàng Cúc, người dân Mường Thu Cúc đã lập miếu thờ nàng ở Đồng Than, ngay nơi cửa Mường. Ngôi miếu này là nơi thiêng liêng đối với người dân xứ Mường, bởi lẽ, không chỉ là nơi hương hỏa, phụng thờ người có công với bản Mường mà còn là biểu tượng của vía lúa tạo ra hạt thóc, hạt gạo, tạo ra sự no ấm cho bản làng. Từ đó, cư dân nơi đây gọi vùng đất này là Thu Cúc.

Con đường dẫn vào xứ Mường Thu Cúc uốn lượn quanh những triền núi cao ngất trời, xa xa là khu rừng già xanh tốt, nguyên sinh. Bên dưới là những cánh đồng lúa bát ngát, con suối chảy róc rách khiến cho khung cảnh trên con đường vào các bản Mường tuyệt đẹp, thơ mộng.

Vào mùa lúa chín, nơi đây rực vàng như những tấm thảm mượt mà. Đứng trên mỏm núi nhìn xuống, Thu Cúc lộng lẫy và sống động vô cùng. Vào mùa xuân, hoa rừng đua nở trên những vạt rừng, ven đường. Hoa đào, hoa ban, đỗ quyên, trạng nguyên rực lối đi tạo nên vẻ đẹp đa sắc của thiên nhiên nơi đây. Càng đi sâu vào bên trong, những ngọn núi cao, hang động sâu trong lòng núi như chứa đựng biết bao điều bí ẩn đang chờ đợi sự khám phá của con người.

Tuyệt phẩm đẹp của Thu Cúc là dòng sông Bứa chảy xuyên qua rừng tạo nên một không gian êm đềm, quyến rũ. Nhìn từ xa, dòng nước như một dải lụa xanh ngọc bích vắt từ trong rừng sâu, hai bên là cây rừng soi bóng xuống dòng sông. Có những đoạn, người dân làm cây cầu bắc ngang dòng nối đôi bờ khiến cho không gian trở nên giàu sức sống. Ở chỗ nước chảy qua đập tràn, nước chảy thành thác mượt mà, trắng mịn.

Vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng của vùng đất Thu Cúc.
Vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng của vùng đất Thu Cúc.

Dưới chân những đỉnh núi là các bản Mường. Người Mường sinh sống ở đây từ lâu đời đã tạo dựng được những nét văn hóa vô cùng đặc sắc. Những căn nhà sàn chênh vênh bên ven suối gợi lên vẻ đẹp hữu tình. Chiều về, mây núi sà xuống bản tạo nên một cảnh sắc bồng bềnh, hòa quyện giữa trời mây non nước và cuộc sống con người. Đi sâu vào các bản Mường, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những nét văn hóa bản địa như tập quán ở nhà sàn, trang phục, tục ngủ thăm, lễ hội xuống đồng, lễ cúng tổ tiên cùng văn hóa ẩm thực đậm đà dư vị như món cỗ lá, bánh trôi ngũ sắc, canh loóng chuối, chả lá bưởi, xôi nếp gà gáy, cá suối nướng...

Thu Cúc là điểm dừng chân lý tưởng nơi vùng đất Tổ để đưa du khách đi tiếp những hành trình khám phá vẻ đẹp Tây Bắc với bao điều kỳ thú đang đón đợi.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.