Multimedia Đọc Báo in

Hát ở sân khấu đặc biệt

10:32, 25/04/2019
Trong hành trình đến thăm quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) những ngày đầu năm 2019, Đoàn công tác trên chuyến tàu HQ561 đã có những buổi giao lưu văn nghệ đầy ý nghĩa với những người lính hải quân đang công tác trên các đảo tiền tiêu.

Đoàn tàu HQ561 đến thăm cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đảo, điểm đảo thuộc tuyến giữa quần đảo Trường Sa có ca sĩ Trần Thị Kim Thúy - nghệ danh Kim Thúy (SN 1994, thành viên Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) đi cùng.

Kim Thúy đã tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội và hiện nay là ca sĩ tự do, lập nghiệp tại TP. Hà Nội; chủ yếu hát thể loại nhạc thính phòng, những ca khúc nhạc đỏ, tình yêu quê hương đất nước... Kim Thúy cho biết, khi nhận được lời mời tham gia cùng Đoàn công tác ra thăm và biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa, cô đã dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị, vừa đi biểu diễn show, vừa tranh thủ thời gian để luyện tập các bài hát về biển đảo, về Trường Sa, Hoàng Sa, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước như: “Nơi đảo xa”, “Bâng khuâng Trường Sa”, “Gần lắm Trường Sa”, “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Tổ quốc gọi tên mình”…".

Ca sĩ Kim Thúy giao lưu với lính hải quân điểm đảo Len Đao.
Ca sĩ Kim Thúy giao lưu với lính hải quân điểm đảo Len Đao.

Đây là lần đầu được đến Trường Sa, đem tiếng hát lời ca động viên, tạo thêm động lực, tiếp sức cho các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại quần đảo tiền tiêu này nên Kim Thúy rất xúc động. Đến đây, Thúy mới cảm nhận được rõ nét những vất vả, thiếu thốn của các chiến sĩ nơi đảo xa nên cô càng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ dù đôi lúc cũng thấm mệt.

Trong suốt hải trình cũng như mỗi khi tàu dịch chuyển, Thúy bị say sóng nằm li bì, phải nhờ các bác sĩ trên tàu chăm sóc, vậy mà khi đặt chân lên các đảo cô lại thoăn thoắt lịch làm việc dày đặc, từ "chạy thử" chương trình đến biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và người dân.

Kim Thúy tâm sự: "Tôi chưa bao giờ có được những cảm xúc tuyệt vời như vậy. Chuyến đi dù phải di chuyển nhiều, thời tiết nắng nóng ảnh hưởng bất lợi đến giọng như bị ho và bị khàn tiếng, nhưng khi ngồi với các chiến sĩ, mọi mệt mỏi như tan biến hết. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được hát giữa biển cả bao la, mỗi tiết mục lại được các cán bộ, chiến sĩ hải quân hưởng ứng, cổ vũ nhiệt tình. Nếu có cơ hội, tôi vẫn sẽ sẵn sàng xung phong trở lại đây mang lời ca tiếng hát phục vụ quân dân trên đảo”.

Thượng tá Nguyễn Văn Cao, Chỉ huy trưởng đảo Cô Lin (thuộc quần đảo Trường Sa) cho biết: " Đoàn công tác đến thăm và giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ chính là nguồn động viên, khích lệ vô cùng lớn lao, giúp chúng tôi thêm quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Dù điều kiện trang thiết bị hỗ trợ còn thiếu thốn, sức khỏe chưa ổn song ca sĩ Kim Thúy đã biểu diễn các tiết mục rất hay, hấp dẫn và ấn tượng, cô luôn “cháy” hết mình trên sân khấu đặc biệt giữa những khán giả đặc biệt…”

 

“Chỉ cần ở nơi nào có người lính hải quân thì ở đó trở thành "sân khấu" để cất lên lời ca. Sân khấu ấy rất đặc biệt, đó có thể là mảnh chiếu hay bậc thềm, cũng không cần micro hay ánh đèn sân khấu, chỉ cần nhìn những nụ cười những ánh mắt của chiến sĩ khiến lòng ta lay động lắm rồi”.

 
 
Ca sĩ Kim Thúy

Đáp lại tình cảm của Đoàn công tác, cán bộ, chiến sĩ ở các đảo, điểm đảo đã hào hứng tham gia giao lưu với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc không kém gì ca sĩ chuyên nghiệp. Được trực tiếp tìm hiểu về cuộc sống, sinh hoạt của quân và dân trên các đảo ở Trường Sa, chúng tôi cảm nhận được rằng, đời sống trên các đảo có thể thiếu thốn nhiều điều kiện thiết yếu như: điện, nước ngọt, rau xanh... nhưng có một thứ luôn luôn “giàu có” là sự lạc quan yêu đời, là lời ca tiếng hát.

Chẳng hạn, hai chiến sĩ trẻ Nguyễn Hữu Cảnh và Mai Hữu Phúc (ở đảo Tốc Tan), dù có đam mê ca hát nhưng đã tạm gác ước mơ của mình để cống hiến sức trẻ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Từ ngày ra đảo công tác, tiếng hát của hai chiến sĩ là nguồn động viên, là món ăn tinh thần giúp những người lính vơi đi nỗi nhớ nhà, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hữu Phúc cho biết: “Chúng tôi hát, hầu như tối nào cũng hát, để vơi đi nỗi nhớ nhà và tạo sự gắn bó, xích lại gần nhau hơn”. Còn với Hữu Cảnh, anh không thích hát những bài ủy mị mà thích dòng nhạc hiện đại, mỗi lần có đoàn công tác ra là anh xin được copy nhạc của họ bởi ngoài đảo chưa có điều kiện để cập nhật những bản nhạc mới…

Chỉ cần ở nơi nào có người lính hải quân thì ở đó trở thành
Chỉ cần ở nơi nào có người lính hải quân thì ở đó trở thành "sân khấu" để cất lên lời ca.

Không chỉ biểu diễn hết mình tại các đảo, ca sĩ Kim Thúy còn là “nòng cốt” khuấy động phong trào văn hóa, văn nghệ trên tàu HQ561. Mỗi buổi tối, sau khi tàu thả neo, rất nhiều thành viên trong đoàn lại tập trung trên boong tàu cùng chia sẻ tâm tình và hát các ca khúc về biển đảo, về tình yêu quê hương, đất nước. Những buổi sinh hoạt tập thể đó đã xóa đi khoảng cách về tuổi tác, vùng miền giữa các thành viên, giúp mọi người gần gũi, đoàn kết, yêu thương nhau hơn.

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.