Multimedia Đọc Báo in

Tâm huyết với nghề truyền thống

15:57, 14/04/2019

Trong xã hội hiện đại, nhiều nghề thủ công truyền thống của đồng bào Êđê ngày càng mai một. Tuy nhiên, ở các buôn làng huyện Krông Ana, vẫn còn những nghệ nhân Êđê đam mê, tâm huyết, gắn bó với nghề truyền thống.

Ông  Y Nhiên Niê Kđăm (50 tuổi, ở buôn Tơ Lơ, xã Ea Na) được nhiều người biết đến vì đan gùi rất giỏi. Những chiếc gùi ông làm ra vừa chắc chắn vừa đẹp. Ông Y Nhiên cho hay, các loại tre nứa đều có thể dùng để đan gùi nhưng tốt nhất vẫn là lồ ô. Lồ ô lấy về được cắt bỏ các đốt, chẻ thành những sợi nan to nhỏ, dài ngắn khác nhau tùy theo kích cỡ gùi định đan. Nan phải được chuốt sao cho thật đều nhau, mười sợi như một. Trước khi chuốt phải cạo bỏ vỏ xanh ở phần cật để sợi nan có màu trắng ngà. Nan chuốt xong mang phơi chỗ thoáng gió cho khô rồi mới đan. Đế gùi được làm bằng ván xẻ từ gỗ cây cóc rừng. Ván xẻ ra được uốn thành hình hộp chữ nhật, đục lỗ, xỏ nan kết nối thân gùi với đế gùi. Chỉ sơ qua như vậy nhưng cũng thấy để làm ra một chiếc gùi cũng khá công phu.

Cũng ở buôn Tơ Lơ, xã Ea Na có bà Aduôn Men (năm nay đã ngoài 70 tuổi) là người thạo nghề làm đồ gốm. Theo kinh nghiệm của Aduôn Men, đất để làm đồ gốm lấy ở bờ sông Krông Ana là loại đất tốt nhất, là một loại đất sét có màu đen như đất bãi sình. Đất lấy về được ngâm trong nước, lọc bỏ hết sạn rồi lại trộn đất với cát mịn theo một tỷ lệ nhất định rồi phải nhào, giã cho đất trở nên dẻo quánh, mịn nhuyễn. Đất đó lại phải ủ vài ngày nữa mới đem nặn được.

Mẹ con bà Amí H'Loan dệt chiếu.
Mẹ con bà Amí H'Loan dệt chiếu.

Xem bà Aduôn Men làm, mới thấy kỹ thuật nặn đồ gốm của người Êđê khá đặc biệt. Đất dùng để làm đồ gốm được chia ra từng phần, nặn thành từng thỏi dài to chừng cổ tay. Khi nặn, người ta cuốn thỏi đất thành nhiều vòng tròn xếp chồng lên nhau thành hình ống, để dựng đứng. Người nặn tạo dáng cho đồ vật bằng cách xoa, nắn, vuốt; không dùng bàn xoay mà vừa nặn vừa di chuyển theo một đường tròn xoay quanh vật đang nặn. Khi đã nặn được đồ dùng ưng ý, mới miết cho bề mặt nhẵn bóng; sau cùng dùng que tre vẽ hoa văn trang trí cho đồ vật. Đồ gốm nặn xong được mang phơi nắng cho khô, rồi mới mang nung chín. Đồ gốm của người Êđê thường là những đồ dùng hằng ngày: nồi đất, ấm đất, tô, đĩa, bình, vại, ly… trông mộc mạc, đơn sơ nhưng cũng không kém phần bền đẹp.

 Một số phụ nữ ở buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp) vẫn còn gìn giữ nghề dệt chiếu. Đây là một nghề truyền thống đã có từ hàng trăm năm nay. Trước đây, chiếu của người Êđê ở buôn Trấp làm ra bán rất chạy; người ta ưa dùng chiếu Êđê vì chiếu tuy trông mộc mạc, không kẻ vẽ hoa văn màu mè nhưng lại dày dặn, rất bền chắc, giá cả cũng phù hợp. Nhưng dần dần thị trường hàng hóa phát triển, chiếu của người Êđê không cạnh tranh được với các loại chiếu được sản xuất công nghiệp. Vì thế, hiện nay ở buôn Trấp, nghề làm chiếu chỉ còn vài người theo đuổi trong số đó, có bà H’Ven Hder (54 tuổi, gọi theo tên con là Amí H’Mót) và bà H’Yê Bkrông ( 65 tuổi, thường gọi là Amí H’Loan).

Amí H’Loan kể, bà cũng như nhiều phụ nữ khác trong buôn đều biết dệt chiếu từ nhỏ, do các mẹ, các chị truyền dạy. Làm chiếu cũng mất khá nhiều công: đi lấy cói, chẻ cói, phơi cói. Đi lấy cói là vất vả nhất vì phải lặn lội sang bờ sông Krông Nô, mỗi lần cả đi lẫn về mất vài ba ngày. Khi dệt phải có hai người cùng làm. Amí H’Mót trăn trở: “Làm chiếu nhiều công thế nhưng mỗi chiếc chiếu chỉ bán được 70.000 – 80.000 đồng thôi và khó cạnh tranh với những loại chiếu khác. Vì thế, nhiều chị em bỏ nghề làm chiếu, tìm việc khác làm để được nhiều tiền hơn”.

Các nghệ nhân như ông Y Nhiên, bà Aduôn Men, Amí H’Loan, Amí H’Mót… đều là những nông dân quen với ruộng đồng, nương rẫy. Công việc đan gùi, đan chiếu hay làm gốm chỉ  là nghề phụ của họ, duy trì cũng bởi muốn giữ gìn nghề truyền thống của ông bà. Bà Aduôn Men bảo bây giờ thỉnh thoảng bà làm lấy một ít đồ gốm cho đỡ buồn, đỡ nhớ nghề thôi vì chẳng còn ai dùng thứ gốm này nữa. Trong buôn cũng chỉ còn có vài ba người già như bà biết làm đồ gốm, chắc nay mai sẽ hết người biết nghề này.

Hoàng Minh Sơn


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.