Multimedia Đọc Báo in

Đời sống mới của cồng chiêng

09:26, 28/07/2019

Có thể nói, từ khi Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột được cấp thẩm quyền thông qua, chính quyền sở tại cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đã nỗ lực triển khai nhiệm vụ này một cách có hiệu quả. Đặc biệt là văn hóa cồng chiêng của người Êđê trên địa bàn nhiều xã, phường được quan tâm đúng mức nhằm mở ra đời sống mới cho di sản này.

Ông Võ Tiến Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Buôn Ma Thuột cho biết, việc đầu tiên là tích cực mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; hỗ trợ kinh phí cho một số đội chiêng được công nhận năng lực cấp thành phố hoạt động, giúp đỡ đào tạo kỹ năng diễn tấu cho nhiều buôn làng khác. Theo đó, từng bước phục dựng và tái hiện những lễ hội truyền thống tiêu biểu để tạo điều kiện, không gian diễn xướng cho cồng chiêng thực hành và thể hiện.

Theo ông Dũng, từ năm 2008 đến nay, cứ định kỳ hai năm, TP. Buôn Ma Thuột đều tổ chức Ngày hội Văn hóa – Thể thao các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Từ môi trường này đã ngày càng tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng về việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có văn hóa cồng chiêng.

Đội chiêng trẻ buôn Ea Bông (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột).
Đội chiêng trẻ buôn Ea Bông (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột).
 
Trong 33 thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện có khoảng 20 đội chiêng đủ năng lực diễn tấu và truyền dạy cho thế hệ tiếp nối. Ngoài ra có 14 đội chiêng trẻ, có khả năng diễn tấu thuần thục một số bài chiêng cổ và mới trên dàn chiêng tre (Ching Kram), cũng như đảm đương được một số vị trí trong dàn chiêng đồng. 
 
(Báo cáo của Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Buôn Ma Thuột)

Nhận xét, đánh giá trên đã được kiểm chứng qua thực tế khi biết rằng, trong nhiều buôn làng – từ chỗ sinh hoạt cồng chiêng thưa thớt và đứng trước nguy cơ biến mất khỏi đời sống cộng đồng, nay nhờ những tác động tích cực như đã nêu từ phía chính quyền nên từng bước phục hồi trở lại. Minh chứng là vào những năm 2000, ngành văn hóa – du lịch ở đây đã có vài cuộc khảo sát vốn văn hóa truyền thống trong các buôn làng để xây dựng những điểm đến du lịch cộng đồng thì hết sức thất vọng, vì có quá ít nơi đáp ứng được yêu cầu, nhất là sinh hoạt văn hóa cồng chiêng đã không còn hiện diện, do không gian sống và thiết chế văn hóa truyền thống đã thay đổi. 

Nhưng gần 10 năm sau, với sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước cùng với các phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Chương trình xây dựng nông thôn mới, phường - xã đạt chuẩn văn minh đô thị... đã góp phần đáng kể để sinh hoạt văn hóa cồng chiêng hồi sinh.

Những nơi như buôn Buôr (xã Hòa Xuân), Kbur, Ea Tour (xã Hòa Phú), Kmrơng Prông, Ea Nao (xã Ea Tu), buôn Jù (xã Hòa Thuận) hay buôn Ea Bông, Kdun (xã Cư Êbur) đều có đội chiêng và tiếng chiêng thường xuyên rộn rã giữa buôn làng. Những buôn khác như Kô Tam (xã Ea Tu), Akô Dhông (phường Tân Lợi), Kô Sier (phường Tân Lập), buôn Ky (phường Thành Nhất)... đến nay đã có 2 - 3 đội chiêng, cả già lẫn trẻ sẵn sàng tham gia những cuộc liên hoan, giao lưu văn hóa cồng chiêng các cấp, trong nước cũng như quốc tế. Hơn thế, anh Y Wol Êban, Trưởng buôn Akô Dhông cho hay, người dân ở đây đã biết kết hợp di sản quý báu này của ông cha để lại để làm du lịch (homestay) nhằm vừa nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vừa tạo không gian và điều kiện cho cồng chiêng lan tỏa, thăng hoa.

Công tác truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ luôn được chú trọng tại những buôn làng.
Công tác truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ luôn được chú trọng tại những buôn làng.

Theo kế hoạch, mục tiêu của thành phố đặt ra từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo là tiếp tục mở các lớp truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng, hát kể sử thi; phục dựng các lễ hội; hỗ trợ kinh phí cho các đội chiêng, các nhà văn hóa cộng đồng diễn xướng cồng chiêng; giao lưu cồng chiêng… theo định kỳ đã được thống nhất giữa ngành văn hóa và các cộng đồng dân tộc trên địa bàn. Đặc biệt là hướng tới việc thống kê, sưu tầm các bài chiêng cổ, hoàn thiện đầy đủ và chân thật các nghi lễ, lễ hội có liên quan đến cồng chiêng để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng thông qua nhiều hình thức phong phú (nghe nhìn bằng băng đĩa, thực hành văn hóa trong đời sống hằng ngày). Hy vọng đây là những “cú hích” tạo động lực mới cho văn hóa cồng chiêng ở vùng đất này song hành cùng đời sống đương đại phát triển từng ngày.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.