Multimedia Đọc Báo in

Chùa Hương Nghiêm - ngôi cổ tự nghìn năm xứ Thanh

08:34, 22/09/2019

Về thăm xứ Thanh, du khách hãy đến vãn cảnh chùa Hương Nghiêm, một trong những ngôi chùa lâu đời và nổi tiếng nhất của tỉnh Thanh Hóa.

Chùa Hương Nghiêm được xây dựng từ thế kỷ 10. Chùa có tên chữ Hán đầy đủ là Càn Ni Sơn Hương Nghiêm tự, theo đúng cách đặt tên chùa ở nước ta thời Đinh, Lê, Lý Trần (tên chùa được đặt kèm với địa chỉ nơi chùa được dựng). Sở dĩ, chùa Hương Nghiêm được đặt tên như vậy vì chùa tọa lạc trên núi Càn Ni (ngày nay chỉ còn là một mô đất cao nằm cạnh đồng lúa) thuộc xã Phủ Lý, tổng Vận Quy, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Hóa (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Chánh điện chùa Hương Nghiêm.
Chánh điện chùa Hương Nghiêm.

Theo ghi chép của văn bia chùa Hương Nghiêm dựng năm Bính Ngọ (1125, nay vẫn còn), chùa do Bộc xạ tướng công Lê Lương xây dựng từ thời Hậu Đường (923 - 937), được con cháu nhà họ Lê tu sửa nhiều lần sau đó. Đến giữa năm Nhâm Dần (1122), thiền sư Đạo Dung cho tôn tạo lại chùa bề thế hơn. Theo văn bia này, Hương Nghiêm tự là ngôi chùa lớn và đẹp. “Trên vách đá chênh vênh, tượng Phật uy nghiêm, mái hiên cong như cánh trĩ, ngói lợp lớp lớp như vẩy rồng, lan can thoáng mát, cửa ngõ thênh thang. Mé trái có một tòa lầu nguy nga, trong treo chuông lớn”.

Cổng chùa Hương Nghiêm.
Cổng chùa Hương Nghiêm.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử và sự tàn phá của thời gian, chiến tranh, chùa Hương Nghiêm nhiều lần xuống cấp và nhiều lần được trùng tu để giữ lại phần nào kiến trúc ban đầu. Vào đời nhà Nguyễn, sau một thời gian dài binh lửa loạn lạc, đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu (1230-1322) bị hư hỏng nghiêm trọng. Người dân làng Phủ Lý đã rước bát hương ông vào thờ phụ trong chùa Hương Nghiêm. Tấm bia đá mộ chí của nhà sử học cũng được đưa vào chùa khi lăng mộ của ông chưa có điều kiện tu tạo. Vì thế, dân gian còn gọi Hương Nghiêm tự là chùa “Ông Hưu”. Ngày nay, điện thờ sử gia Lê Văn Hưu, tác giả bộ quốc sử đầu tiên “Đại Việt sử ký”, vẫn còn giữ vị trí trang trọng trong chùa.

Chùa Hương Nghiêm thuộc quần thể đền thờ Lê Văn Hưu được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Về thăm chùa Hương Nghiêm, du khách sẽ được hòa mình giữa cảnh quan yên bình, trong lành nơi làng quê xứ Thanh; đắm mình trong các giá trị văn hóa, tinh thần tốt đẹp từ bao đời hội tụ nơi ngôi cổ tự nghìn năm tuổi.

Vũ Phạm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.