Multimedia Đọc Báo in

Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Đắk Lắk: Từng bước khẳng định mình

09:23, 21/09/2019

Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Đắk Lắk hiện có hơn 22 hội viên thuộc các chuyên ngành: văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật, sân khấu - điện ảnh, nhiếp ảnh, lý luận phê bình, văn nghệ dân gian, cán bộ quản lý văn hóa dân tộc gồm nhiều thành phần dân tộc như Êđê, Tày, Kinh, M’nông. Trong thời gian qua, các hội viên của Chi hội đã phát huy thế mạnh của mình, tạo nên những tác phẩm đặc sắc phản ánh đậm nét bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

5 năm qua, hội viên của Chi hội có nhiều tiến bộ trong việc nỗ lực sáng tác và đạt được những thành công đáng ghi nhận, đặc biệt chú trọng trao đổi chuyên môn giữa các thành viên; tham dự các trại sáng tác của Trung ương Hội hằng năm, đi thực tế - sáng tác, sưu tầm tại các địa phương; tham gia viết bài trong các hội thảo văn học và nghệ thuật về đề tài dân tộc thiểu số khu vực...

Một buổi lễ ra mắt sách của hội viên Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Đắk Lắk.
Một buổi lễ ra mắt sách của hội viên Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Đắk Lắk.

Một trong những thế mạnh của văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số Đắk Lắk là âm nhạc và múa. Khai thác văn hóa truyền thống phong phú và độc đáo của các dân tộc, âm nhạc và múa Đắk Lắk đã tạo dựng được nét đẹp vừa truyền thống, hoang sơ, vừa mộc mạc trữ tình, sâu lắng. Những giá trị nghệ thuật độc đáo ấy đã tạo dựng nên tên tuổi các nghệ sĩ tiêu biểu của tỉnh nhà qua nhiều thế hệ như Linh Nga Niê Kdăm, Vũ Lân, Y Phôn Ksơr. Đến nay, số lượng Nghệ sĩ Ưu tú của tỉnh nhà đã tăng lên, trong đó có nhạc sĩ Y Phôn Ksơr vừa vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu này vào tháng 8-2019.

 Cùng với âm nhạc và múa, hội họa và điêu khắc cũng đã khai thác bản sắc văn hóa khá đậm nét, trong đó có các tác giả có nhiều tác phẩm được giới mỹ thuật đánh giá cao như: họa sĩ Y Nhi Ksơr, Trương Văn Linh. Trong 5 năm qua, các tác giả nói trên thường xuyên đoạt giải thưởng hằng năm của Trung ương Hội, có tác phẩm trưng bày triển lãm toàn quốc và khu vực.

Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh Đắk Lắk cũng từng bước khẳng định tài năng và tâm huyết với Tây Nguyên bằng những tác phẩm về vùng đất và con người cao nguyên, được nhận nhiều giải thưởng quốc tế và trong nước như Lương Chính Hữu, Siu H’Kết.

Nhạc sĩ Y Phôn Ksơr được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Nhạc sĩ Y Phôn Ksơr được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Với mục tiêu tập hợp đoàn kết và thúc đẩy sáng tạo, có thêm nhiều tác phẩm phục vụ đồng bào các dân tộc, hầu hết các tác giả sáng tác văn học, sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian đều ra được sách. Điển hình như các tác giả: Linh Nga Niê Kdăm, Hồng Chiến, Khôi Nguyên, Lê Vĩnh Tài, Hoàng Thu, Nguyễn Văn Thiện, H’Siêu, Văn Thảnh. Tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ nói trên đã bắt nhịp với đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh, ca ngợi cái mới cái tốt đẹp, đồng thời phê phán cái xấu, cái lạc hậu, cái ác; đi sâu vào khai thác thân phận con người vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời cổ vũ, động viên, phản ánh những đổi thay của vùng đất cao nguyên.

Để tiếp tục duy trì lực lượng kế thừa trong sáng tác văn học về dân tộc thiểu số, Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Đắk Lắk còn chú trọng phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ sưu tầm, sáng tác trẻ, đặc biệt là con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương. Với những kết quả bước đầu, hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều văn nghệ sĩ tài năng, trẻ trung và tràn đầy nhiệt huyết làm khởi sắc văn học nghệ thuật của tỉnh nhà.

  Niê Thanh Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.