Multimedia Đọc Báo in

Tục làm bánh biếu mẹ chồng của cô dâu người Tà Riềng

08:55, 20/10/2019

Theo nếp xưa của người Tà Riềng ở huyện vùng cao Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), trước khi cô gái mới cưới về ở hẳn bên nhà chồng, cô con dâu thường làm bánh đót để biếu mẹ chồng và gia đình nhà chồng nhằm tỏ lòng thành kính, sự hiếu thảo của con dâu với mẹ chồng.

Sau lễ cưới, trong thời gian từ 1 - 2 năm cặp vợ chồng mới cưới người Tà Riềng chưa vội có con ngay mà lo làm việc để phụ giúp hai bên gia đình. Trong thời gian này, cô con dâu có thể tự do đi lại về ngủ ở nhà mẹ đẻ, hoặc nhà chồng. Thời gian ở nhà mẹ đẻ khoảng từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau. Thời gian ngủ ở nhà chồng từ tháng 3 đến tháng 8, cô con dâu thường lên rẫy phụ giúp gia đình nhà chồng làm cỏ, gieo trồng, vào rừng hái nấm, bẻ măng, xuống suối bắt cá...

Theo phong tục cổ truyền, vào khoảng tháng 11, sau khi thu hoạch lúa mùa xong chính là thời gian mà cô dâu mới cưới tự tay giã gạo lúa mới, vào rừng hái lá đót về gói bánh biếu nhà chồng.

Các  thành viên trong gia đình nhà gái giúp  cô dâu mới gói bánh đót.
Các thành viên trong gia đình nhà gái giúp cô dâu mới gói bánh đót.

Người Tà Riềng quan niệm, bánh đót có ý nghĩa thiêng liêng nên thường để dâng cúng thần linh và ông bà tổ tiên, tỏ lòng tôn kính của con cháu. Gói bánh đót không quá khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và bàn tay khéo léo của người gói. Người ta thường chọn loại lá đót vừa đủ to, không quá non bởi sẽ kém thơm, không quá già bởi dễ bị rách khi gói bánh. Lá đót được rửa sạch, để ráo nước, phơi nắng chừng 30 phút cho lá mềm, dai để dễ gói hơn. Gạo nếp dùng để gói bánh không cần ngâm nước trước. Khi gói, người phụ nữ giữ chặt hai mép lá, cuộn vòng lại thành hình phễu, đổ chừng khoảng chén gạo nếp vào. Một tay cầm, tay kia khéo léo cuộn lá thật kín, xong buộc chặt bằng lạt chẻ từ cây giang. Bánh đót khi nấu chín, vớt ra tỏa mùi thơm ngào ngạt vị nếp mới quyện với vị thơm của lá đót tươi. Vì không có nhân nên bánh lá đót giữ được khá lâu, thông thường trong vòng một tuần. Nhiều cô con dâu người Tà Riềng từ nhà mẹ đẻ của mình về nhà chồng có thể đi bộ từ một đến vài ngày nhưng bánh đót vẫn giữ nguyên vị dẻo ngon.

Tùy thuộc khả năng kinh tế, tùy vào sự hiếu thảo của cô dâu và cũng tuỳ thuộc vào số thành viên anh em nhà chồng mà số bánh mang biếu có thể nhiều ít khác nhau (song thường thì từ 1 – 2 gùi bánh, chừng 20 - 25 kg/gùi). Khi cô dâu và gia đình nhà gái mang bánh sang nhà trai luôn được nhà chồng đón tiếp chu đáo. Tại đây, cô con dâu tự tay lấy bánh từ gùi ra biếu bố mẹ chồng từ 50 - 100 cặp bánh đót; anh em trai của chồng mỗi người chừng 20 - 30 cặp; chị em gái chồng, cô, cậu, chú, bác của chồng mỗi người chừng 10 - 20 cặp bánh, các em trai, gái của chồng từ 2 - 3 cặp. Chính vì vậy, nếu gia đình khá giả và anh em nhà chồng đông, có khi gia đình nhà cô dâu phải giã, gói tới vài trăm cặp bánh. Phía nhà chồng làm heo, gà nấu nướng mời cơm, rượu, thịt và khi nhà gái ra về thì nhà trai thường biếu lại vài ký thịt heo và các loại thực phẩm khô từ nai, mang, chuột, sóc...

Các cô gái Tà Riềng vào rừng cắt lá đót về gói bánh.
Các cô gái Tà Riềng vào rừng cắt lá đót về gói bánh.

Có dịp đến các làng người Tà Riềng ở huyện vùng cao Nam Giang (Quảng Nam) vào dịp lễ ăn mừng lúa mới, lễ hội Choóc đăil…, du khách thường nghe thậm thịch đâu đó trong làng tiếng chày giã gạo lúa mới làm bánh đót của các gia đình có con gái mới lấy chồng. Vào thăm các gia đình trong làng, sẽ thấy rất nhiều nhà có bánh đót đặt trên bàn, trên giàn bếp. Đó có thể là những gia đình có con trai mới lấy vợ, hoặc là anh em, bà con bên chồng của cô dâu mới cưới, hoặc là bánh của người được biếu đem cho, biếu lại bà con, bạn bè, anh em, người thân ăn lấy thảo, lấy tình.

Với người Tà Riềng, việc giã gạo lúa mới làm bánh biếu cho nhà chồng của cô dâu mới cưới thường kéo dài từ 2 - 3 năm. Đây là nét đẹp trong phong tục cưới hỏi truyền thống khá độc đáo của người Tà Riềng. Tới khi đứa con đầu lòng được sinh ra và đôi vợ chồng chuyển đến ở hẳn bên nhà chồng thì việc gói bánh đót biếu mẹ chồng của cô dâu mới thôi.

Nguyễn Văn Sơn


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.