Multimedia Đọc Báo in

Về khu phế tích Chăm Hương Quế

07:08, 19/10/2019

Ngược dòng lịch sử, từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 10 là thời kỳ ổn định và phát triển nhất về kinh tế lẫn văn hóa của vương quốc Champa với phần lãnh thổ kéo dài từ Đèo Ngang đến tận Đồng Nai.

Đây cũng là thời kỳ hình thành những phong cách kiến trúc Champa độc đáo, trong đó có những công trình kiến trúc còn tồn tại đến ngày nay trên vùng đất Quảng Nam – Amaravati xưa như: Khu di tích Chăm Mỹ Sơn, tháp Bằng An, Phế tích Phật viện Đồng Dương, khu tháp Chăm Chiên Đàn, khu tháp Chăm Khương Mỹ và hàng chục phế tích khác rải rác khắp địa phương trong tỉnh Quảng Nam. Trong đó, khu phế tích Chăm Hương Quế thuộc huyện Quế Sơn với những gì còn sót lại đã chứng tỏ ngày xưa nơi đây đã từng tồn tại một công trình kiến trúc tôn giáo kỳ vĩ…

Các miếu thờ ở khu phế tích Chăm Hương Quế.
Các miếu thờ ở khu phế tích Chăm Hương Quế.

Phế tích Hương Quế cách Quốc lộ 1A khoảng 500 m về hướng tây trên một nền đất bằng phẳng với diện tích khoảng 600 m2 xung quanh là ruộng lúa, nay thuộc thôn 6, xã Hương An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ngày nay, khu phế tích chỉ có ba ngôi miếu thờ nhỏ xây bằng vôi và gạch Chăm cổ trên lợp ngói âm dương nằm theo hướng đông tây cách nhau từ 1 - 2 m bên trong có bệ thờ, tượng thần...; chính giữa nền đất là ngôi nhà thờ tộc Phạm.

Theo lời các cụ cao niên trong làng thì những ngôi miếu này được xây dựng cách đây hàng trăm năm, có lẽ từ khi người Việt theo tiếng gọi Nam tiến của Chúa Nguyễn Hoàng bắt đầu di dân vào Đàng Trong khẩn hoang, khai hóa, dựng đất, lập làng. Cạnh bên miếu là một tấm bia bằng sa thạch cao 154 cm, rộng 76 cm và dày 47cm khắc chữ hai mặt, nét còn khá rõ. Mặt thứ nhất gồm 22 dòng chữ Sancrit khắc ngang và được chia ra làm ba đoạn; mặt thứ hai gồm 25 dòng chữ khắc ngang. Nội dung tấm bia nói về niên đại xây dựng  ngôi đền tháp Hương Quế vào đầu thế kỷ 7.

Ngày nay tại đây vẫn còn thấy nhiều gạch Chăm rơi vãi khắp nơi trên mặt đất, đặc biệt trong các miếu và xung quanh còn lưu giữ nhiều hiện vật điêu khắc Chăm. Nổi bật trong đó là tượng bò thần Nadin (cao 100 cm, dài 120cm, rộng 67 cm) nằm trên một bệ đá hình chữ nhật; hai chân trước khuỵu xuống gập về phía sau, dưới cặp sừng được chạm một dãy hoa văn hình thoi cuốn quanh, hai sừng nhọn và không cao lắm, ở giữa trán bò chạm khắc một hình thoi nhỏ, u nhô cao, hai tai vểnh lên, mắt mở to tròn nhìn rất sống động.

Ngoài ra còn có phù điêu trang trí (cao 115 cm, dày 25 cm, rộng 115 cm) được chạm khắc trên một phiến đá có dạng hình lá đề, thể hiện một nữ thần (có thể là thần Uma) mình mặc một sarong ngắn, hai tai dài đeo khuyên thòng trĩu nặng. Thần có bốn cánh tay với động tác như đang múa, hai tay uốn cong đưa lên ngang tai, hai tay còn lại, một tay co gập vào hông, tay kia cong ngược đưa lên ngang vai; hai chân chụm lại trong tư thế của người đang múa. Đầu thần đội mũ hình tam giác được chạm khắc hoa văn hình thoi chạy cuốn quanh. Dưới hai chân là hai người phụ nữ đang quỳ dâng lễ vật. Hiện vật đã bị rêu bám, bề mặt phù điêu cũng đã bị sơn màu lên.

Tấm bia Chăm còn nguyên vẹn tại khu phế tích.
Tấm bia Chăm còn nguyên vẹn tại khu phế tích.

Bên cạnh đó, còn một số hiện vật khác cũng được tìm thấy ở nơi đây như: bàn chân người đã bị gãy phần trên chỉ còn phần dưới được chạm khắc trên một bệ đá vuông và một thớt của bệ thờ (Yoni) hình tròn với những đường gờ giật cấp và hình cánh sen cách điệu chạy quanh. Cách phế tích khoảng 200 m về phía bắc tại đình Hương Quế cũng phát hiện được một bệ Yoni hình tròn nứt đôi, xung quanh chạm hình những cánh sen, phần vòi đã bị sứt, bên dưới còn lưu dấu vết gờ, mặt trên được chạm một lỗ thủng hình tròn đường kính 24 cm, sâu 14 cm dùng để liên kết với Linga để tạo thành một bệ thờ Linga - Yoni hoàn chỉnh.

Được biết, nơi đây cũng đã tìm thấy một bức tượng Chăm bằng sa thạch đẹp nhất và có thể nói là một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Champa thường gọi là tượng nữ thần Hương Quế (nữ thần Devi). Hiện nay bức tượng này đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2016, người dân nơi đây còn phát hiện một giếng nước Chăm cổ tại cánh đồng Cửa Lăng - Cây Gáo, cách phế tích Chăm Hương Quế khoảng 20 m. Giếng được xây dựng theo kết cấu hình vuông, mỗi cạnh khoảng gần 1 m, được xây bằng gạch Chăm cổ, đồng chất liệu được sử dụng để xây dựng các đền tháp của người Chăm cổ trên địa bàn Quảng Nam.

An Trường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.