Multimedia Đọc Báo in

Giữ hồn thổ cẩm

07:15, 29/01/2020

Cuộc sống hiện đại khiến trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đang đối diện với nguy cơ bị mai một.

Tuy nhiên, với tình yêu và lòng tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống, nhiều chị em ở xã Cư Huê (huyện Ea Kar) vẫn ngày đêm cần mẫn bên khung cửi với mong muốn hồi sinh nghề dệt…

Đam mê nghề truyền thống

Vốn là người trầm tính, ít nói nhưng khi được hỏi về dệt thổ cẩm, đôi mắt của Amí Phước (65 tuổi) - nghệ nhân dệt thổ cẩm giỏi nhất buôn M’Oa - vui hẳn lên. Bà có thể ngồi hàng giờ để kể về niềm đam mê của mình...

Năm lên 10 tuổi, bà đã bị cuốn hút bởi những sợi chỉ giăng ngang, dọc, tiếng lách cách của khung cửi mỗi khi mẹ dệt vải. Nhìn mãi thành quen, dần dần bà biết cách xếp khung cửi, bày chỉ, rồi học dệt các sản phẩm đơn giản. Khi sản phẩm đầu tay của mình là một tấm thổ cẩm ra đời, nhìn thấy nụ cười, ánh mắt đầy tự hào của ngoại, Amí Phước tự nhủ phải tiếp tục học dệt để nghề truyền thống không bị mai một, thất truyền.

Amí Toàn (bên phải) giới thiệu sản phẩm của Tổ hợp tác buôn M’Oa, xã Cư Huê.
Amí Toàn (bên phải) giới thiệu sản phẩm của Tổ hợp tác buôn M’Oa, xã Cư Huê.

Tranh thủ những lúc rảnh rỗi Amí Phước lại ngồi vào khung cửi. Ban đầu bà chỉ biết dệt những hoa văn đơn giản như đường thẳng, dích dắc rồi đến những họa tiết phức tạp được cách điệu từ cuộc sống sinh hoạt thường ngày như chim muông, hoa lá, cây cối, đồ vật, dây treo chiêng, cột nhà mồ… Khi đã thành thục nghề dệt, Amí Phước bắt đầu sáng tạo, cách tân các sản phẩm thổ cẩm cho phù hợp với phong cách hiện đại nhưng không làm mất đi nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Để làm được một chiếc áo, váy, khố, túi xách bằng thổ cẩm phải mất 10-15 ngày, số tiền bán được chỉ trên dưới 1 triệu đồng, nhưng vì niềm đam mê và tình yêu thổ cẩm, Amí Phước vẫn miệt mài bên khung cửi suốt mấy chục năm qua.

Kết nối để giữ nghề

Trước nguy cơ nghề dệt thổ cẩm đang bị mai một, tiếng khung cửi thưa dần trong các buôn, năm 2018, Amí Toàn, Bí thư Chi bộ buôn M’Oa đã cùng Amí Phước đứng ra vận động, kết nối, thành lập Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm buôn M’Oa, xã Cư Huê.

Ban đầu nhiều chị em không hào hứng và từ chối tham gia tổ hợp tác vì công việc này mất rất nhiều thời gian, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, thu nhập không đáng là bao. Hiểu được tâm lý đó, Amí Phước và Amí Toàn phải cất công gặp gỡ, tỉ tê trò chuyện, thuyết phục từng người… “Mưa dầm thấm lâu”, kết quả là có đến 25 người của 6 buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Cư Huê đã tự nguyện tham gia, trong đó có 13 người trẻ tuổi. Để “tiếp lửa” cho tổ hợp tác, UBND huyện Ea Kar đã phối hợp tổ chức 1 lớp dạy nghề và 1 lớp tập huấn dệt thổ cẩm. Được truyền nghề, nhiều chị em đã vững tin và thêm yêu khung dệt.

Phụ nữ người dân tộc thiểu số  xã Cư Huê bên khung dệt.
Phụ nữ người dân tộc thiểu số xã Cư Huê bên khung dệt.

Trước đây, chị H’Nhon Bkrông (36 tuổi) ở buôn M’Hăng chỉ biết dệt tấm thổ cẩm đơn giản. Sau khi tham gia tổ hợp tác, được các nghệ nhân truyền nghề, chị không chỉ biết dệt nhiều loại hoa văn, tạo các họa tiết mà còn biết cắt, may thành sản phẩm hoàn chỉnh cho các thành viên trong gia đình và bán cho một số chị em có nhu cầu. “Các bà, các mẹ đã lớn tuổi, lưng còng, mắt mờ mà còn tràn đầy nhiệt huyết, đam mê giữ gìn nghề truyền thống thì thế hệ trẻ không thể đứng ngoài cuộc”, chị H’Nhon chia sẻ.

Không chỉ kết nối chị em, với vai trò Tổ trưởng tổ hợp tác, Amí Toàn còn đưa các sản phẩm đi chào hàng, tiếp thị, tìm kiếm đơn đặt hàng cho các thành viên trong tổ dệt rồi thu mua lại, cắt may thành sản phẩm hoàn chỉnh. “Mặc dù đã nỗ lực tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên nhưng sản phẩm của tổ hợp tác mới chủ yếu được xuất bán theo các đơn đặt hàng nhỏ lẻ nên chị em chưa thể sống được bằng nghề”, Amí Toàn trăn trở.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.