Multimedia Đọc Báo in

Nghĩ về lễ hội truyền thống ở Tây Nguyên

16:28, 30/01/2020

Mùa xuân là mùa của lễ hội. Lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng khá phong phú, đa dạng với hệ thống thiết chế, kiến tạo rất riêng, độc đáo dựa trên hai yếu tố căn bản là vòng đời và mùa vụ sản xuất nông nghiệp trong năm.

Theo PGS - TS Buôn Krông Tuyết Nhung - Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Tây Nguyên), lễ hội liên quan đến mùa vụ sản xuất nông nghiệp của các tộc người ở đây hầu như diễn ra từ tháng 2 đến tháng 4 và người ta gọi đó là “mùa ăn năm uống tháng” ở Tây Nguyên.

Lễ mừng lúa mới của người Xê Đăng, xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar.
Lễ mừng lúa mới của người Xê Đăng, xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar.

Trong các loại hình di sản phi vật thể được sản sinh và tồn tại cho đến ngày nay, thì hệ thống lễ hội trên được xem là vốn văn hóa tiêu biểu nhất, mang tính tổng thể nguyên hợp đặc thù, trong đó nổi bật các giá trị được tuyên bố và phổ quát như cố kết sức mạnh cộng đồng; thể hiện đức tin “vạn vật hữu linh”; khẳng định và bảo lưu các giá trị tinh thần, nhân văn cao đẹp dưới lớp vỏ phong tục, tập quán, âm nhạc, vũ điệu, trang phục và ẩm thực của cộng đồng các dân tộc nói chung.

Thử nhìn xem, từ lễ hội Đón hồn lúa về kho, Mừng cơm mới, Cúng bến nước cho đến Lễ tạ ơn Yàng và các thần (rừng, đất, sông suối) của người Êđê, M’nông, Jarai, Bana, Sêđăng, Jẻ Stiêng, K’ho trên vùng đất Tây Nguyên này đều hướng vào những giá trị được tuyên bố và phổ quát đó sao? Đó là những tầng nấc sâu thẳm của nền văn hóa canh tác nương rẫy, gắn bó thân thuộc với rừng cùng sự che chở của thế lực siêu nhiên cư ngụ trong vạn vật, nhất là trong đức tin của họ. Các nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên cho rằng, phải hiểu như thế mới đánh giá đầy đủ và toàn vẹn giá trị, ý nghĩa của lễ hội vốn tồn tại từ rất lâu trong đời sống của cộng đồng các dân tộc ở đây. 

 

“Lễ hội truyền thống ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung hoàn toàn xứng đáng để chúng ta tìm cách bảo tồn ở mọi cấp độ, đồng thời không ngừng phát huy giá trị văn hóa hàm chứa trong đó nhằm phục vụ mục tiêu bảo tồn văn hóa song song với phát triển kinh tế cho cộng đồng các dân tộc theo hướng bền vững hơn.

 
PGS - TS. Buôn Krông Tuyết Nhung

Đương thời, trong các công trình khảo cứu về văn hóa Tây Nguyên, cố GS. Phạm Đức Dương (Viện nghiên cứu Đông Nam Á) luôn nhắc nhở và lưu ý điều đó với những đồng nghiệp đi sau mình như GS - TS Khoa học Tô Ngọc Thanh (về lĩnh vực âm nhạc dân gian); Ngô Đức Thịnh (luật tục) và Phan Đăng Nhật (lễ hội và các hình thức diễn xướng) mới mong đạt được sự “minh triết” khi chạm đến vốn văn hóa của các tộc người ở đây.

Như để khẳng định thêm điều đó, trong một công trình nghiên cứu về nhà dân tộc học Jacques Dournes vào những năm 90 của thế kỷ trước, ông chỉ ra rằng “Nhà Tây Nguyên học” này đã tinh tế nhận ra điều cốt lõi và sâu sắc nhất trong Lễ cúng bến nước của người bản địa chính là đề cao thông điệp gìn giữ tốt nhất môi trường cư trú của mình.

Các dân tộc thiểu số ở đây đã biết vận dụng yếu tố tín ngưỡng, tâm linh để thực hiện một cách khôn khéo và nhuần nhuyễn thông điệp này.

Lễ cúng bến nước của đồng bào ở buôn Tliêr (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông).
Lễ cúng bến nước của đồng bào ở buôn Tliêr (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông). Ảnh: N.Hoa

Những lời khấn yàng và các thần (kriu yang) trong lễ cúng bến nước đều có nội dung cầu xin, nhắc nhở các thế lực siêu nhiên cùng con người sống và hành xử với tâm thế biết ơn, nâng đỡ nhau một cách nhân văn nhất.Những bài “kriu yang” ấy được coi là văn bản “cam kết” không thể bội tín, nhằm bảo đảm và hướng tới một đời sống  cân bằng về vật chất cũng như tinh thần trong mỗi cộng đồng các dân tộc. 

 Phương Đình

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.