Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo làng gốm Quyết Thành

10:34, 03/04/2020

Nhờ thiên nhiên ưu đãi cộng với tâm huyết của những con người nơi đây đã làm nên những sản phẩm rất riêng của thương hiệu gốm Quyết Thành…

Gốm cũng biết…  thải độc rượu

Đến làng gốm Quyết Thành - một làng nghề truyền thống gần 500 tuổi ở thị trấn Quế, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, chúng tôi không chỉ choáng ngợp trước những dãy sản phẩm đủ kiểu hình khối đang phơi mình trong nắng, mà còn được nghe những câu chuyện thú vị về gốm.

Theo lời kể của những người thợ gốm thì nhờ thiên nhiên, khí hậu ban tặng mà đất để làm nên sản phẩm gốm Quyết Thành có những ưu điểm hơn một số mà nơi khác. Đất làm gốm ở đây có màu đỏ như son, khi chế biến, người thợ lấy đất nghiền nhỏ pha với nước để nhúng các sản phẩm mà không cần kết hợp với hóa chất và men. Sau khi nung, sản phẩm tự lên màu đỏ thắm, được gọi tên là “Gốm son” và được Sở Khoa học và Công nghệ công nhận thương hiệu Gốm son mỹ nghệ vào năm 2010.

Không những thế, nhờ sự ưu ái của thiên nhiên, trong đất làm gốm còn có rất nhiều khoáng chất nên khi dùng sản phẩm gốm Quyết Thành để pha trà sẽ giữ trà thơm lâu hơn do cách ẩm tốt, hoặc đựng rượu ngâm (ngâm trong khoảng 6 tháng) thì rượu sẽ khử được Aldehyt (một độc tố có trong rượu, gây ung thư, bệnh tim mạch, những bệnh thoái hóa thần kinh…) mà vẫn giữ được hương vị, nồng độ, uống vào không bị đau đầu.

Du khách tìm hiểu sản phẩm gốm Quyết Thành.
Du khách tìm hiểu sản phẩm gốm Quyết Thành.

Chính vì những ưu điểm do thiên nhiên ban tặng, sản phẩm gốm Quyết Thành (bình rượu, ấm trà, chum lọ...) được người dân ở nơi khác ưa chuộng và tìm mua. Đặc biệt, nhiều thương hiệu rượu truyền thống, chè Shan Tuyết nổi tiếng đang kết hợp sử dụng với sản phẩm gốm Quyết Thành để tạo ra nét đặc trưng. Vì lẽ ấy, những người thợ gốm cũng nỗ lực hơn để làm ra những sản phẩm chất lượng nhất cung cấp cho người tiêu dùng. Ông Nguyễn Đức Phú, chủ cơ sở sản xuất gốm Phú Thỏa, làng gốm Quyết Thành chia sẻ: “Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, chúng tôi đã nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc đưa khoa học kỹ thuật vào kết hợp với cách làm thủ công trong khâu làm đất, vừa giảm hao phí vừa tạo ra nguồn đất đẹp. Đồng thời chúng tôi cũng đầu tư những lò đốt công nghệ cao bằng khí ga, đốt được nhiều loại sản phẩm, nhất là những sản phẩm phức tạp nhiều hình khối (trước đây làm thủ công không đốt được) và đa dạng hóa các sản phẩm để thực hiện theo đơn đặt hàng của khách”.

Tận tâm giữ nghề

Để làm ra sản phẩm gốm, những người thợ gốm phải luyện với đất sét qua rất nhiều công đoạn: ngâm đất sét trong bể, làm nhuyễn đất, khi đất nhuyễn đặt lên bàn xoay tạo hình cho sản phẩm, phơi khô hoặc sấy, đắp họa tiết, đánh giấy nhám lau chùi sạch sẽ, một số sản phẩm được tráng thêm lớp men theo đơn đặt hàng riêng rồi tiếp tục phơi cho khô hẳn, sau đó cho vào lò nung. Đối với hàng gốm mỹ nghệ, đất sét phải được phơi khô rồi cho nước vào khuấy đều, sau đó tinh lọc các tạp chất, cô đặc lại rồi đổ vào khuôn hoặc in dát trên máy, cắt gọt, đánh bóng, vào son, vẽ men rồi mới đưa vào lò nung.

Nhiều người thợ lành nghề vẫn tâm sự rằng, làm gốm là nghề "đánh bạc với giời”, bởi trải qua rất nhiều công đoạn, nhưng khi cho vào lò nung thì không ai nói hay được, có nhiều lò thành công cho ra sản phẩm đẹp nhưng cũng có lò không may bị hỏng, công sức coi như bỏ. Theo ông Nguyễn Đức Phú, công việc làm gốm vất vả, thu nhập lại không cao nên đa phần lớp trẻ trong làng không mấy mặn mà với nghề truyền thống của cha ông. Hiện lực lượng lao động trẻ trong làng còn rất ít, chủ yếu là những trường hợp đã được bố mẹ định hướng từ nhỏ nên yêu thích mà theo. Trước đây khi còn hợp tác xã, cả làng có vài chục hộ làm gốm, nhưng từ khi chuyển sang hộ sản xuất tư nhân, cả làng chỉ còn 6-7 hộ trực tiếp làm gốm. Những hộ bám trụ với nghề hầu hết đều là những gia đình đã có nhiều đời gắn bó với gốm, con cháu trong dòng họ ngấm tinh hoa của nghề từ nhỏ, nên dù khó khăn vất vả vẫn cố gắng duy trì và phát triển nghề để giữ gìn thương hiệu gốm Quyết Thành. 

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.