Multimedia Đọc Báo in

Về Hội An xem giếng cổ

14:42, 17/04/2020

Giếng cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) được xem như một giá trị văn hóa vật thể phản ánh rõ rệt đời sống sinh hoạt của cộng đồng cư dân Chămpa tại đây cách đây hơn 10 thế kỷ, về sau cộng đồng người Việt, Hoa… tiếp quản có duy tu, sửa sang lại, song vẫn lưu giữ được dáng dấp giếng cổ ngàn năm tuổi. Khoảng 50% số giếng cổ ở Hội An hiện nay vẫn được sử dụng và là điểm tham quan hấp dẫn thu hút du khách thập phương.

Theo thông tin của ngành chức năng, trong số hơn 80 giếng cổ được Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An sưu tầm được, vẫn chưa có cứ liệu cụ thể nào để xác định chắc chắn về niên đại. Là loại hình di tích mang tính chất lịch sử - văn hóa đặc thù, lại được xây dựng trong những điều kiện riêng biệt, giếng cổ gắn liền với đời sống tâm linh của cư dân Hội An là thờ giếng. Dù là ở khu phố cổ nằm xen kẽ trong các nhà thờ, chùa chiền, hội quán hay ở vùng ven như thôn 5, 6 của xã Cẩm Thanh, khối 4 phường Thanh Hà, cứ đến ngày rằm, mồng một, người dân lại nghi ngút khói hương thờ giếng.

Giếng cổ Chămpa ở Cù lao Chàm.
Giếng cổ Chămpa ở Cù lao Chàm.

Giếng cổ Hội An ở vùng ven có kiểu dáng hình tròn, trong khi đó giếng trong khu phố cổ chủ yếu là giếng hình vuông hoặc trên tròn dưới vuông. Các giếng này nằm trong khuôn viên của các di tích tín ngưỡng như hội quán, nhà thờ tộc, đình, miếu của người Hoa. Chất liệu xây giếng chủ yếu là gạch, đá; dưới cùng của đáy giếng là khung gỗ lim nhằm chống sụt lún. Trên các giếng này luôn có các bàn thờ để thờ “thần giếng”. Các giếng cổ được phân bổ tập trung ở bờ bắc sông Đế Võng; thôn 5, thôn 6 xã Cẩm Thanh; khối phố 4 phường Thanh Hà và trong khu phố cổ.

Giếng Mái nằm ở ngã năm trước cửa chợ Hội An và chùa Ông là giếng công cộng duy nhất ở phố cổ được lợp mái ngói vảy cá; giếng Đá ở Trà Quế có hình tròn từ đáy lên nhưng trên miệng lại hình vuông, bốn góc tường có bốn cây trụ đá vuông. Giếng Bá Lễ (nằm ở một hẻm nhỏ ở đường Trần Hưng Đạo, TP. Hội An) có cấu trúc hình vuông, thành lát gạch, đáy lát gỗ, sâu khoảng 8 m. Theo các nhà nghiên cứu thì giếng Bá Lễ có từ thời Chămpa xưa (khoảng từ thế kỷ thứ 8 - 9). Theo những câu chuyện truyền miệng, vào khoảng vào đầu thế kỷ 20, có một người đàn bà tên là Bá Lễ đã bỏ ra hơn 100 đồng tiền Đông Dương để trùng tu hoàn toàn chiếc giếng cổ Chămpa này nên từ đó giếng cổ có tên Bá Lễ. Những người dân ở gần giếng Bá Lễ cho biết, hầu hết người Hội An đều biết đến giếng này bởi nước giếng rất trong, ngọt và không bị khô kiệt dù trong những ngày nắng hạn khắc nghiệt.

Giếng cổ có mái che gần chợ Hội An.
Giếng cổ có mái che gần chợ Hội An.

Ở phố cổ Hội An, hầu hết người dân đều có nước máy nhưng khá đông cư dân nơi đây vẫn đi lấy nước giếng về nấu ăn để làm tăng thêm hương vị các món ăn đặc trưng như cao lầu, xí mà hoặc pha trà. Cũng từ nhu cầu sử dụng không thể thay thế được của nước giếng cổ, nghề chở nước cũng đã thành hình tại Hội An từ nhiều năm nay.

Tiên Sa


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.