Multimedia Đọc Báo in

Gian nan hành trình bảo tồn voi (Kỳ 4)

08:19, 27/05/2020

Kỳ 4: Nỗ lực giúp voi... làm mẹ

Vấn đề quyết định sự thành bại của công tác bảo tồn voi (BTV) là làm cách nào để voi nhà sinh sản để tăng dần số lượng cá thể. Công việc này tưởng như bất khả thi bởi mấy chục năm nay voi nhà không sinh con, thế nhưng nay đã được giải quyết bằng giải pháp khoa học kỹ thuật.

Băng rừng… kiểm tra chu kỳ rụng trứng cho voi

Nhiệm vụ quan trọng nhất được đặt ra trong Dự án khẩn cấp BTV tỉnh Đắk Lắk đến 2020 là thực hiện biện pháp sinh sản voi nhà bằng phương pháp tự nhiên. Đây là điều hết sức khó khăn bởi hầu hết voi cái trên địa bàn tỉnh đã quá độ tuổi sinh sản, cán bộ chuyên môn chưa có nhiều kinh nghiệm và trang thiết bị thú y còn thiếu thốn, trong khi các chủ voi hầu như chẳng ai quan tâm đến việc voi có sinh sản hay không. Trước thực trạng này, Trung tâm BTV Đắk Lắk đã bắt tay vào việc thu thập tất cả các thông tin có liên quan đến vấn đề sinh sản của voi như: độ tuổi, khả năng tự bắt cặp giao phối, thời gian voi làm việc, phong tục tập quán...

Anh Y Vinh Êung lấy mẫu máu voi Bắk Nang.
Anh Y Vinh Êung lấy mẫu máu voi Bắk Nang.

Để làm cơ sở ghép cặp cho voi, công việc đầu tiên là phải lấy mẫu máu của voi cái để kiểm tra hoóc - môn sinh sản nhằm xác định chu kỳ rụng trứng của voi. Công đoạn tách huyết thanh, kiểm tra các chỉ số hoóc - môn do cơ quan chuyên môn thực hiện, còn việc lấy máu voi thì có thể nhờ sự trợ giúp của các cộng tác viên. Một trong những công tác viên “ruột” là Y Vinh Êung (buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk), người đã có 20 năm làm nghề nài voi.

Voi được lấy mẫu máu định kỳ hằng tuần, nên công việc của Y Vinh không hề dễ dàng, phải thật sự đam mê, yêu thương voi thì mới có thể làm được. Voi được chăn thả trong rừng, mỗi chuyến tác nghiệp của anh bắt đầu từ 5 giờ sáng với đồ nghề mang theo là ống nghiệm, kim tiêm cùng can nước uống. Một ngày cuối tháng 4-2020, chúng tôi vào rừng mục sở thị Y Vinh “hành nghề”. Để vào được nơi chăn thả voi Bắk Nang tại cánh rừng ven hồ Ring thuộc địa phận xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana), chúng tôi phải đi thuyền qua sông, để xe ở bìa rừng rồi lội bộ chừng 5 km đường rừng mới đến được chỗ cột voi. Để lấy được mẫu máu của voi, Y Vinh phải chủ động liên hệ với chủ hoặc nài voi từ ngày hôm trước để xác định vị trí của voi. Khi tìm được voi, anh cũng cần sự hỗ trợ đặc biệt của nài voi để thực hiện thao tác lấy máu nhanh, đúng kỹ thuật, hạn chế tối đa việc tác động đến tâm lý của voi…

Chúng tôi cùng Y Vinh tiếp tục băng rừng sang địa phận xã Yang Tao, huyện Lắk để lấy máu voi H’Mong Sen Bkrông. Lúc này, ở cánh rừng N’Ndăng Hu đang có cháy, khói bốc lên làm voi sợ hãi di chuyển đi xa, phải mất tầm 30 phút đi bộ Y Vinh mới tìm được. Anh cho biết, H’Mong Sen năm nay 33 tuổi, thuộc sở hữu của gia đình Ma Siu ở buôn Chua, xã Yang Tao, nặng khoảng 4 tấn, qua theo dõi chu kỳ rụng trứng của voi nằm vào tầm tháng 11 hằng năm, nhưng chưa mang thai lần nào. Mẫu máu voi lấy xong được anh ghi chép cẩn thận các thông tin như: tên, tuổi voi, địa chỉ, giờ lấy máu… để trung tâm xét nghiệm có cơ sở phân tích các dữ liệu phục vụ cho công tác theo dõi chu kỳ rụng trứng của voi.

Các chuyên gia hỗ trợ voi Bắc On sinh sản vào tháng 2 - 2020. Ảnh: Phạm Thịnh
Các chuyên gia hỗ trợ voi Bắc On sinh sản vào tháng 2 - 2020. Ảnh: Phạm Thịnh

Y Vinh trải lòng, anh tình nguyện làm cộng tác viên cho Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk từ tháng 8-2016 đến nay. Công việc vất vả nhưng anh luôn vui vẻ vì đã góp sức mình vào việc bảo tồn loài vật đã gắn bó với đồng bào bao đời nay. Mẫu máu voi sau khi lấy luôn được anh gửi về cho cán bộ Trung tâm một cách sớm nhất. Mỗi mẫu máu được gửi đi, anh lại mong ngóng tin vui.

Hồi hộp chờ voi sinh con

Chính sách hỗ trợ, khuyến khích các chủ voi tham gia vào chương trình giúp voi nhà sinh sản cũng được triển khai; đồng thời, liên kết, hợp tác với các tổ chức bảo tồn động vật để tiếp nhận khoa học kỹ thuật thúc đẩy sinh sản trên voi nhà. Mặt khác, Trung tâm đã thường xuyên tuyên truyền đến các chủ voi hạn chế cho voi phục vụ du lịch, tăng cường thời gian cho các cặp voi trong độ tuổi sinh sản bắt cặp giao phối, sinh sản như trong tự nhiên. Bằng phương pháp phân tích các chỉ số về hóc môn estrogen, LH, progesteron của voi cái, cơ quan chuyên môn đã xác định được 8/28 cá thể voi cái còn khả năng sinh sản. Trên cơ sở đó, từ năm 2013 đến hết năm 2019, Trung tâm đã thực hiện ghép cho 15 cặp voi giao phối. Sau nhiều lần “se duyên”, chờ đợi, cuối cùng voi nhà đã ”yêu nhau” và có 3 voi cái mang bầu. Cụ thể, voi Bắk Nang sinh con vào tháng 9-2017, voi Bắk Khăm sinh tháng 1-2019 và voi Bắc On sinh vào tháng 2-2020. Với những người làm công tác BTV, mỗi lần thấy voi mang thai ai cũng vui mừng, voi mang thai 20 - 22 tháng, đến gần thời điểm dự sinh của voi càng hồi hộp. 

 

Voi là loài rất chung thủy, nếu không có “tình yêu” thì sẽ không giao phối, do đó, khi voi cái đến thời điểm rụng trứng, phải tìm hiểu thật kỹ những đôi "yêu nhau" để ghép cặp ở một vị trí thuận lợi nhất”.

 

Anh Y Vinh Êung

 

Trong quá trình voi mang thai, hằng tuần, voi được kiểm tra sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm nồng độ can xi, phốt pho, nếu thiếu sẽ bổ sung thêm. Ba tháng trước thời điểm voi dự sinh, cán bộ Trung tâm túc trực thường xuyên, sẵn sàng hỗ trợ voi “vượt cạn”. Khi voi chuyển dạ, đội ngũ bác sĩ thú y, nhân viên thức trắng đêm và đưa ra các biện pháp hỗ trợ tốt nhất. Sự thấp thỏm lo lắng, căng thẳng bao trùm khu vực voi sinh, nhìn voi mẹ vật vã với cơn đau đẻ, ai cũng cảm thấy xót xa, thương cảm. “Chúng tôi luôn giữ hy vọng với bản năng làm mẹ, voi sẽ vượt qua đau đớn và những hạn chế khi nhiều tuổi mới sinh con lần đầu, nhưng điều rất đáng tiếc là, tất cả các voi con đã chết trước khi sinh ra”, anh Phạm Văn Thịnh, Trưởng Phòng Bảo tồn voi nhà (Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk) chia sẻ. Nguyên nhân khiến voi vượt cạn bất thành là do voi mẹ đã lớn tuổi và mới sinh con lần đầu, các cơ đường sinh sản đã bị lão hóa, giảm khả năng đàn hồi, co bóp, do đó không thể đẩy voi con ra ngoài nhanh dẫn đến voi con bị kẹt lại, thiếu ôxy và ngạt thở chết.

Từ thực tế trên, các chuyên gia đã rút ra bài học là không cho voi cái đã trên 35 tuổi sinh con lần đầu mà chỉ thực hiện đối với 3 cá thể voi cái đã sinh sản lần đầu không thành công và voi cái dưới 35 tuổi. Tuy nhiên, kết quả lớn thu được là sau hơn 30 năm voi nhà lại có thể sinh sản, từ đó đã trả lời được nghi vấn là liệu voi nhà có còn khả năng sinh sản hay không. Bên cạnh đó, quy trình cho voi mang thai cũng đã được hoàn chỉnh. Đây là cơ sở để những người làm công tác BTV tin tưởng, chuyện voi nhà sinh con là điều rất khả thi trong tương lai gần.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Rồi mai này voi sẽ sinh sôi...

Minh Thông - Hoàng Tuyết

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.