Multimedia Đọc Báo in

Làng cổ Bích La

09:46, 12/06/2020

Bích La là miền đất cổ có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, xã hội. Làng được mở mang cương vực, khẩn hoang lập ấp bởi Phó tướng Lê Mậu Doãn, nguyên quán làng Hoa Duệ thuộc Hoan Châu (Nghệ An). Năm 1527, cụ được vua Lê sai vào trấn thủ hai xứ Tân Bình, Thuận Hóa và đã chọn vùng đất xứ Hà Dương phía nam sông Thạch Hãn để khai phá.

Làng Bích La lúc mới thành lập có tên là Hoa An, thời Tây Sơn đổi sang Hoa La, đến đời vua Thiệu Trị đổi thành Bích La, có 4 giáp: Đông, Tây, Nam, Hậu nay thuộc 3 xã Triệu Tài, Triệu Long, Triệu Đông, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Sau khi chúa Nguyễn Hoàng – chúa Tiên vào nam mở cõi (1558), Phó tướng Lê Mậu Doãn đã thần phục nhà Nguyễn và được xét công trạng, phong tước Doãn Lộc hầu, “Chí đức đại thần”. Sau khi qua đời, Phó tướng Lê Mậu Doãn được dân làng an táng, xây lăng mộ cùng khu miếu uy nghiêm để tôn vinh và thờ phụng người có công khai khẩn và minh định dấu mốc hình thành làng cổ Bích La.

Phong tục xin chữ ông đồ tại chợ đình Bích La.
Phong tục xin chữ ông đồ tại chợ đình Bích La.

Bài vị trên ngôi miếu của Doãn Lộc hầu ghi dòng chữ: “Bổn thổ khai khẩn cai trị Phó tướng Doãn Lộc hầu linh tế Dục Bảo Trung Hưng Linh Phò tôn thần”. Bên trong ngôi miếu linh thiêng còn thờ các vị thần sông, núi, sấm sét, dân an, vật lợi… và hai vị tiến sĩ đầu tiên của làng Bích La là Tiến sĩ Lê Cảnh Diệu và Tiến sĩ Lê Cảnh Phiên.

  Làng cổ Bích La nổi tiếng bởi cảnh vật và sông núi hữu tình. Có sông lạch An Mô là nhánh sông Thạch Hãn chảy qua làng cũng từ phía Tây. Ở phía Bắc có ngọn núi Cửa Rào bạt ngàn cây cối xanh tươi. Ngay cạnh đình làng là con hói (nhánh sông nhỏ) nằm vắt dọc theo làng tạo ra một long mạch như hình con rồng tọa lạc mà dân làng bao đời nay vẫn gọi là cửu tuyền long mạch.

Có lẽ chính nhờ nước từ sông chín khúc tuôn ra ôm ấp địa thế sang trọng mà ngót 500 năm tồn tại, Bích La nổi tiếng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “lò đúc hiền tài – nôi sinh sĩ tử”. Dòng họ Lê ở Bích La gồm 4 nhánh: Lê Mậu, Lê Cảnh, Lê Văn, Lê Bá bao đời nay tự hào với những danh nhân nổi tiếng của dòng họ mình... Lê Mậu có ông Lê Mậu Hiến đứng đầu phong trào đòi dân sinh, dân chủ, giảm sưu thuế cho dân thời chống Pháp; Lê Văn có cụ Chánh vệ úy Lê Văn Thống (ông nội Tổng Bí thư Lê Duẩn); Đề đốc Lê Văn Tặng (bác ruột Tổng Bí thư Lê Duẩn); rồi đến cậu học trò Lê Văn Nhuận sau này là Tổng Bí thư Lê Duẩn. Lê Cảnh có hai vị đỗ tiến sĩ đầu tiên Lê Cảnh Diệu, Lê Cảnh Phiên được làng Bích La lập miếu thờ; đời vua Tự Đức có Phó bảng Lê Trinh đi sứ Trung Quốc được vua nhà Thanh ban áo mũ tiến sĩ và danh hiệu Lưỡng quốc tham mưu. Lê Bá có Tiến sĩ Lê Bá Thoại dưới triều vua Tự Đức giữ chức Tham tri Bộ Lại nổi tiếng là người ngay thẳng, dám vạch tội gian thần…

Lăng Ngài khai khẩn Bích La Ngũ Giáp.
Lăng Ngài khai khẩn Bích La Ngũ Giáp.

Hệ thống quần thể di tích lịch sử văn hóa truyền thống ở làng cổ Bích La đều tọa lạc xung quanh ngôi đình làng. Mặt trước đình là hồ nước, tương truyền là nơi ngự của thần Kim Quy. Hằng năm, cứ vào sáng mồng Ba Tết Nguyên đán, dân làng đến đây để dâng hương cầu mưa thuận, gió hoà, quốc thái dân an. Bên phải là tổ hợp án thờ tiên tổ của 14 họ tộc; miếu thờ hai vị tiến sĩ tiên khởi; miếu Khai khẩn thờ Phó tướng Doãn Lộc Hầu; miếu Thành hoàng bổn thổ; miếu Cao Các đại vương; miếu Cao Sơn; miếu Lôi Sơn; án thờ Xã tắc; miếu Bà chúa Ngọc; án thờ Trung đình bảo vệ; Đàn Âm hồn; miếu thờ Bà Hỏa… 

Làng cổ Bích La có chợ đình Bích La là một trong những chợ phiên đầu năm độc đáo nhất nước ta. Tương truyền, một năm nước trong hồ trước đình làng bỗng dưng bị đục ngầu làm cho rùa vàng không xuất hiện. Năm đó hạn hán dài ngày, mùa màng thất bát. Năm sau, tầm 3 giờ sáng mồng Ba Tết Nguyên đán dân làng Bích La tập trung về quanh hồ, mở hội khấn cầu rùa vàng nổi lên và rùa vàng đã nổi mang đến tài lộc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cho dân làng. Từ đó, năm nào làng Bích La cũng tổ chức phiên chợ đầu năm vào mùng Ba Tết, đánh thức rùa vàng. Hàng hoá chủ yếu của chợ đình Bích La là những sản vật địa phương, từ trái cây đến gà, vịt, tôm cá. Đi chợ là mua lộc, cầu tài đầu năm nên người bán không nói thách, người mua không kì kèo, trả giá. Chợ đình Bích La còn là phiên chợ giao duyên, vì lẽ đó mà phiên chợ đình thu hút rất đông những nam thanh, nữ tú náo nức đến chợ để gặp gỡ, ước hẹn. Nhưng chợ đình tan rất sớm (trước 6 giờ sáng) nên mọi hoạt động mua bán, trao đổi hay cả ước hẹn đều phải tiến hành gấp rút cho kịp lệ làng.

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.