Multimedia Đọc Báo in

Đổi công - một nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số

09:29, 26/07/2020

Đổi công là hình thức tổ chức lao động được thực hiện tại nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số nói chung. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa các tộc người thiểu số, trong đó có đồng bào ở Tây Nguyên - nếu đi sâu tìm hiểu thì hình thức đổi công trong hoạt động sản xuất truyền thống có giá trị và chức năng quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của các cộng đồng dân tộc thiểu số từ trước cho đến nay.

Ông Y Nguôn Êban, Trưởng buôn Ea Nao A (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: Đổi công, trước hết là hình thức tổ chức công việc được thiết lập bởi các thành viên trong cộng đồng, nhằm trợ giúp lẫn nhau trong thời gian mà công việc yêu cầu tập trung lượng lớn sức lao động. Khi một gia đình cần sự trợ giúp lao động từ gia đình khác, hoặc của cả cộng đồng, thì điều đó được ngầm hiểu là việc trả công sẽ được tính toán sau - và hình thức trả công được tiến hành bằng cách trả lại sức lao động cho người đã giúp mình trước đó.

Người dân buôn Kô Tam (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ kinh nghiệm canh tác cây cà phê  trong quá trình đổi công.
Người dân buôn Kô Tam (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ kinh nghiệm canh tác cây cà phê trong quá trình đổi công.

Hình thức đổi công trong các cộng đồng dân tộc tại chỗ khá phổ biến trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày, nhiều nhất là trong hoạt động sản xuất nông nghiệp (canh tác lúa, cà phê, trồng trọt hoa màu các loại). Ví như trong quá trình làm ruộng lúa - theo ông Y Nguôn thì đây là loại cây trồng rất nhạy cảm, đòi hỏi thời gian gieo trồng, thu hoạch đúng thời vụ, nếu để chậm trễ các khâu (làm đất, gieo sạ, thu hoạch…) sẽ dẫn đến thất thu. Mỗi một gia đình với vài lao động khó đáp ứng yêu cầu đó, nên cần huy động số đông lao động trợ giúp dưới hình thức đổi công là cần thiết và phù hợp với đời sống, tập tục của người dân tộc thiểu số. Việc đổi công không chỉ giới hạn đối với các gia đình, dòng họ trong cùng một địa bàn (buôn, làng) mà nhiều khi các thành viên ở vùng lân cận cũng tham gia.

Đi sâu tìm hiểu hình thức tổ chức lao động có tính chất tập quán nói trên, Phó GS-TS Tuyết Nhung Buôn Krông, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học – Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Tây Nguyên) nhận xét: Theo tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, sau buổi đổi công, gia chủ thường tổ chức bữa ăn cộng đồng với sự tham gia của các thành viên. Tập quán này đã tạo ra các mối quan hệ xã hội giữa những người chia sẻ công sức lao động với nhau; đó cũng là cơ hội để những người lớn tuổi, có kỹ năng và kinh nghiệm sản xuất hướng dẫn, trao truyền trực tiếp cho thế hệ kế thừa - và hơn thế nó còn bao hàm cả ý nghĩa bảo tồn, gìn giữ vốn văn hóa của mỗi cộng đồng, dân tộc.

Đồng bào dân tộc thiểu số buôn H'Ngô (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) giúp nhau trồng ngô dưới hình thức đổi công.
Đồng bào dân tộc thiểu số buôn H'Ngô (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) giúp nhau trồng ngô dưới hình thức đổi công.

Có những người ngoài cuộc chưa hiểu sâu về vấn đề này, chỉ nhìn vào bữa ăn “linh đình” sau buổi đổi công, hay sự tập trung đông đảo nguồn lực lao động tại một thời điểm mà cho rằng việc đổi công là lãng phí về tiền bạc, hay phung phí về mặt thời gian. Điều đó không đúng, vì như đã phân tích - đổi công là hình thức lao động hợp lý, không chỉ giúp người dân giải quyết những công việc cấp bách trong thời gian ngắn nhất, mà còn là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng lao động giữa các thế hệ, thành viên trong cộng đồng, duy trì và tăng cường mối gắn kết với nhau như một thực hành văn hóa truyền thống trong đời sống lao động, sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói riêng và các vùng miền khác nói chung.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.