Multimedia Đọc Báo in

Những nghệ nhân gìn giữ văn hóa truyền thống

06:43, 19/07/2020

Với tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nhiều nghệ nhân người Êđê ở huyện M’Đrắk đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán dân tộc với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau…

Say mê nhạc cụ truyền thống Êđê từ nhỏ, nghệ nhân Y Pin Byă (thường gọi là Ama Thạch, ở buôn M'Um, xã Krông Jing) đã sớm nắm rõ mọi kỹ thuật của từng loại nhạc cụ từ cồng, chiêng cho tới đing năm, đing tặc tà, đing puốt...

Không chỉ biểu diễn giỏi, am hiểu nhạc cụ dân tộc, Ama Thạch còn tự chế tác nhiều loại nhạc cụ bằng tre, trúc và làm mới hình thức của nhạc cụ, vừa tiện sử dụng, vừa đẹp mắt. Đã 66 tuổi nhưng mọi thao tác của nghệ nhân Ama Thạch vẫn còn nhanh nhẹn và tinh tường. Ngày ngày ông vẫn cặm cụi vót tre, đẽo gọt tỉ mỉ để tạo ra những cây đàn, chiếc kèn có âm thanh tốt nhất. Đôi bàn tay dường như đã quen với mọi kích cỡ của từng loại nhạc cụ nên Ama Thạch làm ra cái nào thì chuẩn cái đó. Trong ngôi nhà nhỏ của mình, sau mỗi lần làm xong một loại nhạc cụ, ông lại tự tấu lên một bản nhạc quen thuộc và yêu thích.

Ama Thạch dạy cho các cháu cách chơi nhạc cụ dân tộc.  
 Ama Thạch dạy cho các cháu cách chơi nhạc cụ dân tộc.

Say mê văn hóa truyền thống nên nghệ nhân Ama Thạch luôn trăn trở, đau đáu trước những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào Êđê đang dần mai một, thưa vắng trong đời sống của bà con. Vì vậy ông cùng với một số nghệ nhân tâm huyết trong huyện đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, sưu tầm những hiện vật, phong tục truyền thống của dân tộc; tình nguyện mở lớp dạy đánh chiêng, chơi nhạc cụ dân tộc Êđê cho thế hệ trẻ, thanh niên trong buôn và các buôn lân cận. Nghệ nhân Ama Thạch cùng đội cồng chiêng còn tham gia biểu diễn tại các sự kiện quan trọng của huyện và các lễ hội lớn của tỉnh như Lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột... Nghệ nhân Ama Thạch tâm nguyện bao giờ còn sức khỏe, ông còn tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và truyền dạy văn hóa Êđê, với mong muốn những nét đẹp của văn hóa dân tộc sẽ được con cháu đời sau tiếp thu, lưu giữ.

Từ lúc nhỏ nghệ nhân Ama Phin (ở buôn Cư Prao, xã Ea Lai) đã được tiếp cận những phong tục truyền thống của gia đình, tham gia những lễ hội, biểu diễn các loại nhạc cụ, cồng chiêng Êđê. 

Ama Phin (thứ hai từ phải sang) giao lưu nhạc cụ với nghệ nhân tại buôn M'um, xã Krông Jing.
Ama Phin (thứ hai từ phải sang) giao lưu nhạc cụ với nghệ nhân tại buôn M'um, xã Krông Jing.

Trước nạn "chảy máu cồng chiêng” Ama Phin đã bỏ ra rất nhiều thời gian đi đến tận nhà, những gia đình anh chị em ruột thịt của mình và những người thân khuyên họ không nên bán, không trao đổi mà phải giữ lại các bộ chiêng quý. Ông còn vận động những nghệ nhân làm nghề thủ công truyền thống đan gùi, dệt vải, chế tác các nhạc cụ cố gắng giữ lại nghề để truyền dạy cho con cháu. Ama Phin còn tự lập ra một đội cồng chiêng là những nghệ nhân đánh cồng chiêng ở trong buôn và các buôn lân cận để biểu diễn trong các lễ hội của buôn, của xã; tích cực tham gia truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, cách làm các nhạc cụ dân tộc đơn giản từ tre, trúc cho thế hệ trẻ, thanh niên tại các buôn làng, các trường học...

Huyện M'Đrắk hiện có 45 người biết lời nói vần, 200 nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng, 12 nghệ nhân biết chỉnh chiêng, 11 nghệ nhân truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, 58 người biết xử luật tục, 35 thầy cúng, 39 nghệ nhân biết sử dụng nhạc cụ tre nứa, 13 nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ, 8 nghệ nhân biết tạc tượng, 174 nghệ nhân dệt thổ cẩm.

Mỹ Sự - Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.