Multimedia Đọc Báo in

Vãn cảnh các thiền viện Trúc Lâm ở miền Tây Nam Bộ

10:23, 12/07/2020

Tại nhiều tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ như: Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ... đều xây dựng các thiền viện Trúc Lâm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân. Tuy quy mô và diện tích xây dựng khác nhau nhưng hầu hết kiến trúc chung của các thiền viện có rất nhiều nét tương đồng.

Được xây dựng theo lối kiến trúc thời Lý - Trần, thiền viện Trúc Lâm Phương Nam tọa lạc tại ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ là công trình nghệ thuật độc đáo và là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của vùng đất Tây Đô.

Thiền viện được xây dựng trên khuôn viên rộng lớn với diện tích trên 38.000 m2, khánh thành vào ngày 17-5-2014. Cổng chính là những vòm mái vuốt cong với hình đầu rồng cách điệu, cửa làm bằng gỗ. Bên trái cổng là tượng Vi Đà Hộ Pháp (Ông Thiện) bảo vệ ngôi tam bảo; bên phải là tượng Tiêu Diện Đại Sĩ (Ông Ác) chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sinh. Qua cổng chính là khoảng sân gạch rộng lớn khiến du khách cảm nhận ngay sự thoáng đãng của chốn thanh tịnh.

Từ sân gạch, du khách phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ uy nghi của chánh điện (còn gọi là Đại Hùng Bửu Điện). Bốn hạng mục mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc của Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam gồm chánh điện, tổ điện, lầu trống và gác chuông nổi bật với kiến trúc bằng gỗ. Các bao lam, hoành phi, câu đối… đều được chạm khắc tỉ mỉ, công phu thể hiện sự tài hoa của những nghệ nhân điêu khắc gỗ Nam Bộ. Hai bên lối vào chính điện là 18 bức tượng Phật bằng đá hoa cương. Ngoài ra, các tượng thờ khác ở đây đều được tạc bằng gỗ du sam đá vôi có tuổi thọ ước khoảng 800 năm.

Thiền viện  Trúc Lâm  Hậu Giang  (TX. Long Mỹ,  Hậu Giang).
Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang (thị xã Long Mỹ, Hậu Giang).

Thiền viện Trúc Lâm tỉnh Hậu Giang được xây dựng tại phường Vĩnh Tường, TX. Long Mỹ trên diện tích 42.000 m2, được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2018 với các hạng mục chính gồm: chánh điện, nhà tổ, lầu chuông, lầu trống, cổng tam quan, nhà nghỉ chân, miếu thờ mẹ Âu Cơ, giảng đường, trai xá, tăng xá... Đây là công trình tâm linh quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Hậu Giang.

Ở tỉnh Tiền Giang có một thiền viện hệ phái Trúc Lâm Yên Tử rất đặc biệt về kiến trúc, mang đậm dấu ấn của nền văn hóa Ấn Độ pha lẫn văn hóa Việt, đó là thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác tọa lạc tại xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước hoàn thành năm 2016 với 25 hạng mục. Đây được xem là thiền viện đẹp và lớn nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay. Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác với diện tích trên 50 ha được phân bổ thành 2 khu vực: Khu vực bên ngoài có cấu trúc gần giống như thiền viện Trúc Lâm tại TP. Đà Lạt; khuôn viên rộng lớn có nhiều cây đại thụ, nhiều khối đá tảng khổng lồ, ao sen, chánh điện, tổ đường, thiền đường, giảng đường, thư viện, nhà trưng bày, lầu chuông…; trong đó, chánh điện của thiền viện có sức chứa lên đến hơn 3.000 người. Đặc biệt nhất phải kể đến pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được tạc bằng đá ngọc, thếp vàng, cao 4,5 m, nặng trên 30 tấn do đích thân các nghệ nhân Myanmar chế tác. Khu vực bên trong có 4 thánh tích (Tứ động tâm) có tỉ lệ 6/10 so với nguyên mẫu tại Ấn Độ bao gồm: vườn Lâm Tì Ni nơi đức Phật đản sinh, Bồ Đề đạo tràng nơi Phật thành đạo, vườn Lộc Uyển nơi Phật chuyển pháp luân, Câu Thi Na nơi Phật nhập diệt; tháp Đại giác có chiều cao 31 m.. Toàn bộ khối lượng đá tảng xây dựng được chuyển từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về đây xây dựng.

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (huyện Tân Phước, Tiền Giang).
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (huyện Tân Phước, Tiền Giang).

Có dịp vãn cảnh ở các thiền viện Trúc Lâm, du khách sẽ nghe lòng nhẹ nhàng thư thái đến lạ thường trong tiếng chuông trầm mặc, uy thiêng; có thể ghi lại những hình ảnh đẹp, thước phim ấn tượng nhất của bản thân, gia đình với bao câu chuyện đẹp giữa miền Tây sông nước.

Trương Thanh Liêm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.