Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của cộng đồng người dân tộc thiểu số: Tôn trọng và lắng nghe tham vấn cộng đồng (Kỳ 2)

07:50, 12/10/2020

Kỳ 2: Lắng nghe tham vấn của cộng đồng

Biểu đạt văn hóa của mỗi cộng đồng, dân tộc và biết tôn trọng, lắng nghe điều đó để có chính sách, giải pháp đúng đắn trong việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số địa phương là điều hết sức cần thiết đối với cơ quan quản lý, tham mưu về văn hóa hiện nay.

Tiếc là đến nay, không ít địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa chú trọng điều này, vì vậy dẫn đến tìanh trạng áp đặt phương thức bảo tồn, gìn giữ vốn văn hóa của các tộc người tại chỗ không đúng với truyền thống vốn có. Ông Đoàn Văn Thống, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch TP. Buôn Ma Thuột dẫn chứng: Ví như cúng bến nước chẳng hạn, nhiều năm qua, thực hành văn hóa này đã biến tướng rất nhiều, bởi những người làm văn hóa bỏ qua việc lắng nghe tham vấn từ cộng đồng. Thường thì chính quyền địa phương đầu tư một khoản kinh phí để nâng cấp, sửa sang lại một số bến nước tại những buôn làng (có tiềm năng phát triển du lịch), sau đó hướng dẫn, cổ súy người dân trong cộng đồng được thụ hưởng tổ chức cúng bến nước theo “kịch bản” có sẵn khiến tinh thần, bản sắc văn hóa trong thực hành nghi lễ này không được thể hiện sâu sắc và đầy đủ.

Bến nước được xem như là sinh thể của buôn làng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.    Ảnh: Hữu Hùng
Bến nước được xem như là sinh thể của buôn làng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ảnh: Hữu Hùng

 

 
“Hiện nay, trong khung kế hoạch của chính quyền các cấp, đối với lĩnh vực văn hóa thì mọi mục tiêu chỉ gắn với các loại hình dịch vụ văn hóa (phát thanh, truyền hình, cung cấp sách báo, ấn phẩm, điện ảnh, sân khấu) hay các hoạt động văn hóa sự nghiệp (nghiên cứu, khảo cổ, sưu tầm hiện vật, phát triển hệ thống bảo tồn, bảo tàng) mà không hề có bất kỳ hệ thống chỉ tiêu/chỉ số/giải pháp khả thi và cụ thể nào nhằm đạt được mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa như một thực thể sống động”.
 
(Đánh giá của Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (iSee) qua nghiên cứu, khảo sát độc lập về “Chính sách và sự biến đổi văn hóa, sinh kế của các tộc người thiểu số vùng Tây Nguyên” năm 2017)

Ông Thống chỉ ra lễ cúng bến nước ở buôn Ky (phường Thành Nhất) hay buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu) trong những năm qua đã cho thấy sự bất cập trên. Đó là các thành viên trong cộng đồng bị gạt ra ngoài cuộc, chỉ đến xem một nhóm người, trong đó phần đông là cán bộ của cấp này, ngành kia được mời tham dự và chia vui linh đình tại nhà văn hóa cộng đồng. Thực trạng này dẫn đến việc đánh mất ý nghĩa cố kết cộng đồng, trách nhiệm và niềm vui của mọi người qua thực hành vốn văn hóa độc đáo, giàu bản sắc ấy. Anh Y Nghia Kbuôr, người trong cuộc ở buôn Kmrơng Prông B chia sẻ: Cúng bến nước theo truyền thống phải có chủ bến nước, đại diện cho cộng đồng gửi điều mong ước đến với Yàng, thần rừng, thần nước, đất đai… và coi đó như “cam kết” trong việc gìn giữ, bảo vệ cảnh quan, cuộc sống bình yên của buôn làng. Đằng này, chính quyền địa phương cùng ngành văn hóa đứng ra chủ trì (kiêm chủ chi) nên không còn ý nghĩa gì và cũng chẳng mang lại thông điệp nào cho cộng đồng cả.

Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm cho rằng: Không riêng gì lễ cúng bến nước vừa nêu, mà hầu hết các lễ hội truyền thống khác cũng vậy - một khi tổ chức (thậm chí phục dựng), cơ quan chức năng đã bỏ qua ý kiến tham vấn của cộng đồng. Cách tổ chức lễ hội theo kiểu như vậy là thiếu chân thật. Bởi một khi lễ hội được xem như tập hợp sống động và đầy đủ nhất các yếu tố văn hóa chứa đựng trong đó (là nghi thức, tín ngưỡng, âm nhạc, vũ điệu…) không được nhà tổ chức tham vấn và quan tâm từ đời sống cộng đồng người tại chỗ thì tất yếu mọi thứ diễn ra đều là… diễn! Theo bà Linh Nga, trong bối cảnh đời sống xã hội có quá nhiều thay đổi như hiện nay và đang có những tác động tiêu cực lên vốn văn hóa của người dân tộc thiểu số như: văn hóa phi vật thể bị mai một; sự đứt gãy của cấu trúc truyền thống; mất mát tri thức dân gian; luật tục và thực hành văn hóa truyền thống bị phai nhạt… thì với cách hành xử lẫn nhận thức như trên của những cá nhân, cơ quan có chức trách - thêm một lần nữa khiến cộng đồng người dân tộc thiểu số ở đây phải chịu đựng “cú sốc” văn hóa trong bối cảnh tổn thương mới.

Theo Phó GS.TS Tuyết Nhung Buôn Krông (Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Tây Nguyên), để khắc phục hạn chế và bất cập này, trước tiên và cũng là điều cấp bách nhất là phải đào tạo đội ngũ những người làm văn hóa thật sự hiểu biết sâu sắc vốn văn hóa của các cộng đồng, dân tộc thiểu số, từ cấp cơ sở cho đến cấp cao hơn. Trong đó ưu tiên cho người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, bởi một khi họ thật sự hiểu và yêu những gì mình có thì mới dễ dàng bảo tồn, gìn giữ được.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.