Multimedia Đọc Báo in

"Cú hích" cho du lịch Krông Bông bứt phá

11:30, 25/10/2020

Sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) tại huyện Krông Bông, giai đoạn 2020 - 2025, huyện đang xúc tiến các bước phát triển du lịch nơi đây.

Hy vọng về tương lai

Theo kế hoạch, UBND tỉnh giao Sở VH-TT-DL phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng lập quy hoạch tổng thể khu di tích trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Trước mắt, tiến hành cắm biển chỉ dẫn, dựng bia tại các điểm diễn ra sự kiện quan trọng tại đây; tiếp tục tổ chức điều tra, khảo sát, xác định vị trí, tọa độ và cắm mốc những nơi đóng chân một số cơ quan của Tỉnh ủy Đắk Lắk trong thời kỳ trên; bổ sung và điều chỉnh địa giới hành chính khu di tích tại Quyết định xếp hạng cấp quốc gia số 822/QĐ-BVHTTDL, ngày 9-3-2017 của Bộ VH-TT-DL. Từ đó, từng bước đầu tư, tôn tạo “địa chỉ đỏ” này trở thành điểm đến tham quan cho du khách, nhất là thế hệ trẻ nhằm giáo dục lòng yêu nước và truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông.

Thơ mộng suối Thanh Niên (thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông). Ảnh: Hữu Phương
Thơ mộng suối Thanh Niên (thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông). Ảnh: Hữu Phương

Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông chia sẻ: Đây là cơ hội giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn cải thiện sinh kế, ổn định và nâng cao đời sống. Một khi khu di tích lịch sử này được quy hoạch, đầu tư và tôn tạo một cách bài bản, đầy quyết tâm của tỉnh cũng như các bộ, ngành Trung ương, thì người dân ở đây chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ giá trị di tích mang lại trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội và dân sinh. Đặc biệt trong đó ngành du lịch có thêm một tài nguyên quý giá để khai thác và phát huy, trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ và bao trùm, góp phần làm thay đổi diện mạo Krông Bông.       

Được biết, từ khi khu di tích trên được xếp hạng cấp quốc gia, chính quyền huyện Krông Bông đã lấy đó làm cơ sở để hoạch định chiến lược xây dựng và phát triển ngành kinh tế du lịch cho địa phương. Ngày 17-8-2019, Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HU về “Phát triển du lịch Krông Bông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, đề án phát triển ngành kinh tế quan trọng này đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và thông qua với những chương trình, bước đi cụ thể: năm 2025 đón khoảng 50.000 du khách, doanh thu gần 48 tỷ đồng, đến năm 2030, con số này sẽ tăng gấp đôi.

Thắng cảnh suối Đắk Tuôr (huyện Krông Bông) là điểm đến yêu thích của nhiều người.   							Ảnh: Hữu Hùng
Thắng cảnh suối Đắk Tuôr (huyện Krông Bông) là điểm đến yêu thích của nhiều người. Ảnh: Hữu Hùng

Với mục tiêu đó, ngành du lịch kèm dịch vụ, thương mại ở đây sẽ từng bước tăng dần tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương (hiện đang phụ thuộc quá lớn vào lĩnh vực nông lâm nghiệp). Hơn thế, một khi mức tăng trưởng của ngành du lịch huyện Kông Bông đạt được từ 19 - 22% (giai đoạn 2021- 2025) thì chắc chắn mức thu nhập bình quân của người dân địa phương, nhất là vùng căn cứ cách mạng như xã Yang Mao, Cư Drăm, Cư Pui, Hòa Phong, Khuê Ngọc Điền sẽ được cải thiện hơn.

Rất cần nguồn lực đầu tư

Theo ông Phạm Đình Tấn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kông Bông, kế hoạch là vậy, nhưng điều quan trọng bây giờ là làm sao tôn tạo, xây dựng và biến di tích được xem như tài sản quý báu ấy thành thế mạnh phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Có thể nói, cùng với sự quan tâm của Nhà nước qua một số chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội ngắn và dài hạn dành cho vùng sâu, vùng xa và vùng căn cứ cách mạng, thì huyện Krông Bông cũng rất cần nguồn lực đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển du lịch.

 Các đồng chí lão thành cách mạng tìm về  Khu di tích căn cứ cách mạng Đắk Lắk (1965 - 1975)  ở huyện Krông Bông và xác định  những địa điểm  diễn ra các sự kiện  lịch sử.
Các đồng chí lão thành cách mạng tìm về Khu di tích căn cứ cách mạng Đắk Lắk (1965 - 1975) ở huyện Krông Bông và xác định những địa điểm diễn ra các sự kiện lịch sử.
 

“ Cần nguồn lực lớn để trước mắt hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, nhất là hệ thống giao thông kết nối đến các điểm du lịch trên địa bàn, trong đó lấy Khu di tích căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk làm trọng tâm. Từ đó mở rộng  đến các điểm du lịch hiện có trên địa bàn, bao gồm: Thác Krông Kmar, Điểm du lịch sinh thái vườn quốc gia Chư Yang Sin, Khu di tích lịch sử hang đá Đak Tuôr, Điểm dừng chân hồ Yang Reh và tham quan núi đá voi, thác buôn Ngô (xã Hòa Phong), thác Yang Hanh (xã Cư Drăm), thác Ekha (xã Yang Mao), hồ Cư Păm (xã Cư Kty). Lúc ấy, bức tranh du lịch Krông Bông sẽ trở nên sáng rõ và sinh động hơn".

 

 
Ông Phạm Đình Tấn, Trưởng Phòng VH-TT huyện Krông Bông

Trước hết là đường giao thông, điện, nước sạch, tôn tạo cảnh quan, môi trường tại các điểm đến du lịch ở đây phải được đáp ứng ít nhất theo tiêu chí đô thị cấp 4 mới mong khai thác, phát huy tiềm năng du lịch vốn có. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay - những yếu tố (cũng là yêu cầu) bắt buộc ấy chưa thật sự được đáp ứng cho hầu hết các điểm du lịch được quy hoạch, hay đưa vào khai thác trên địa bàn. Đặc biệt, khi  ý tưởng biến Khu di tích căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) tại huyện Krông Bông thành điểm đến du lịch có đẳng cấp với vùng lõi rộng hàng nghìn héc-ta rừng nguyên sinh trải dài khắp 5 xã (Yang Mao, Cư Drăm, Cư Pui, Hòa Phong, Khuê Ngọc Điền) cùng nhiều vùng đệm làm dịch vụ, phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu (dựa trên yếu tố lịch sử và văn hóa - sinh thái) của cộng đồng người dân tộc tại chỗ càng trở nên thách thức không nhỏ đối với chính quyền địa phương trong quá trình hiện thực hóa đề án phát triển du lịch như đã nêu.

Vì vậy, vấn đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện Krông Bông là ưu tiên hàng đầu. Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Bên cạnh giải pháp truyền thông, quảng bá và giới thiệu bức tranh du lịch sinh động, đa dạng ở đây để tìm kiếm nhà đầu tư, gắn với chủ trương, chính sách ưu đãi cụ thể (về sử dụng đất, tài nguyên rừng, quy trình, thủ tục đầu tư cùng sự hỗ trợ trên nhiều mặt của chính quyền địa phương) đúng với quy định của pháp luật hiện hành, huyện Krông Bông rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành từ tỉnh đến bộ, ngành Trung ương về vấn đề này, nhằm biến tài nguyên du lịch ở đây, trong đó nổi bật là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia nói trên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần làm thay đổi sâu sắc và toàn diện đời sống kinh tế, xã hội trên vùng đất căn cứ mạng năm xưa.         

        Đình Đối

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.