Multimedia Đọc Báo in

Thăm ngôi nhà thờ cổ hơn 300 tuổi ở Quảng Nam

09:24, 27/10/2020

Nhà thờ ngũ xã Trà Kiệu (được xây dựng cách đây gần 340 năm) là một trong những nhà thờ cổ nhất còn tồn tại đến nay ở huyện Duy Xuyên nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.

Xã Trà Kiệu xưa thuộc huyện Hy Giang, phủ Thăng Hoa, thừa tuyên đạo Quảng Nam (nay thuộc đội 6, thôn 2, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Theo các tư liệu Hán - Nôm và theo gia phả của các chư tộc ở Trà Kiệu thì xã Trà Kiệu được hình thành vào khoảng nửa cuối thế kỷ thứ 15. Trong giai đoạn lịch sử này, vào triều vua Lê Thánh Tông, đầu niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1479), quân Chiêm Thành nổi lên làm loạn, đánh phá các vùng đất ở phía Nam nên nhà vua thân chinh cầm quân đi đánh dẹp. Sau khi đại thắng quân Chiêm Thành, vua Lê Thánh Tông bắt đầu cho xây dựng và củng cố những phần đất đã chinh phục được. Trong đoàn quân Đại Việt có 13 vị đã hưởng ứng lời kêu gọi của nhà vua ở lại xây dựng quê hương mới, khẩn hoang lập nên làng xã Trà Kiệu. Đây chính là 13 vị thủy tổ của 12 dòng tộc đầu tiên của làng Trà Kiệu (có hai vị mang họ Nguyễn Thanh).

 

Nhà thờ ngũ xã Trà Kiệu.
Nhà thờ ngũ xã Trà Kiệu.

 

Với quyết tâm xây dựng vùng đất mới, 13 vị thủy tổ đã dần dần biến nơi đây thành một vùng đất đai trù phú, phì nhiêu xanh tốt. Các vị đã sơ khởi tạo lập được hơn 400 mẫu công điền, công thổ để cùng nhau canh tác. Vùng "đất lành chim đậu" này dân số ngày càng tăng, sinh hoạt xã hội dần dần đi vào nền nếp nên được phép lập thành một đơn vị hành chính cấp xã lấy tên là Trà Kiệu. Về sau các chư tộc họ khác thấy vùng đất này trù phú, dễ bề làm ăn sinh sống nên đã kéo đến đây khai khẩn, an cư lạc nghiệp.

Với những đóng góp to lớn ở thời buổi ban đầu đối với vùng đất mới Trà Kiệu, 13 vị thủy tổ đã được Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635) truy tặng phẩm hàm “Tước Bá”. Để ghi nhớ công đức của các vị tiền nhân có công khai canh, khai cư lập nên làng xã; vào triều vua Lê Hy Tông niên hiệu Chánh Hoà (1680), các chư tộc nơi đây đã góp công, góp của xây dựng một ngôi đình để thờ phụng các vị thủy tổ của mình với tên gọi “Nhà thờ tiền hiền Trà Kiệu”. Vào tháng 2 năm Ất Mùi (1895), ngôi nhà thờ được duy tu, nâng cấp lại cho bề thế hơn (hiện bút tích của lần duy tu này vẫn còn lưu lại trên cột xuyên trung của nhà thờ). Lối kiến trúc gỗ mang đặc trưng vùng đất Quảng Nam của ngôi nhà thờ này vẫn còn tồn tại nguyên vẹn đến hôm nay...

Đến năm Thành Thái thứ 18 (1905), xã Trà Kiệu đã trở thành một vùng đất rộng lớn, dân cư đông đúc. Vì vậy, chính quyền phong kiến đương thời đã chia xã Trà Kiệu ra thành 5 xã nhỏ, gồm: Kiệu Trung, Kiệu Đông, Kiệu Tây, Kiệu Nam và Kiệu Thượng. Riêng phần đất hương hỏa và Nhà thờ tiền hiền Trà Kiệu vẫn được giữ nguyên để con cháu chư tộc 5 xã tập trung về đây cúng bái tổ tiên mỗi dịp xuân thu nhị kỳ. Từ đây, xã Trà Kiệu cũ được gọi là “Trà Kiệu ngũ xã”, còn Nhà thờ tiền hiền Trà Kiệu được đổi lại thành Nhà thờ ngũ xã Trà Kiệu.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975), do tác động của thời gian và chiến tranh, một số hạng mục của ngôi nhà thờ đã bị hư hỏng và xuống cấp, các chư tộc phái ở đây đã cùng nhau góp công, góp của trùng tu lại ngôi nhà thờ nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc, hình dáng như trước kia. Trải qua gần 340 năm với bao đổi thay, thăng trầm của lịch sử, Nhà thờ ngũ xã Trà Kiệu vẫn luôn là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng gắn kết của cư dân nơi đây.

Ngày nay, Nhà thờ ngũ xã Trà Kiệu không chỉ là nơi tế lễ hằng năm của các chư họ, tộc phái tri ân công đức của các vị tiền nhân mà còn là nơi sinh hoạt truyền thống của các tộc họ, nơi tuyên dương những gia đình văn hóa, gương hiếu học, dâu hiền rể thảo, công dân gương mẫu ở địa phương. Với những giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc nghệ thuật độc đáo, Nhà thờ ngũ xã Trà Kiệu đã được xếp hạng là Di tích quốc gia vào tháng 11-2005.

An Trường


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.