Multimedia Đọc Báo in

Những sắc màu văn hóa: Nghề trồng bông dệt vải của người M'nông

09:09, 08/11/2020

Cũng như các dân tộc miền núi, đồng bào M’nông trồng bông để dệt vải thổ cẩm, làm ra các loại trang phục truyền thống. Ngày xưa, cây bông quan trọng không kém cây lúa và những cây hoa màu khác, vì đây là cây đảm bảo cái mặc, làm nên quần áo thay thế cho trang phục bằng vỏ cây.

Nương rẫy của đồng bào M’nông luôn gắn bó mật thiết với cây bông. Khi tỉa lúa, đồng bào lấy hạt bông vải trộn vào lúa giống và gieo chung với hạt lúa. Khi lúa mọc thì bông vải cùng mọc theo. Đến khi làm cỏ lúa, đồng bào nhổ tỉa bớt cây bông vải để cây được thưa ra khỏi chèn ép lúa. Cuối năm, khi thu hoạch lúa xong, trái bông bắt đầu nở bông thì đồng bào chuẩn bị thu hoạch bông vải. Hái bông về, đồng bào phơi vài nắng cho thật khô thì cho vào bung (gùi nhỏ đan bằng tre chuyên đựng bông vải) rồi cất vào một chỗ. Những gia đình không trồng được bông vải thì có thể mua hoặc đổi với gia đình có nhiều bông để dùng. Theo cách đổi ngang giá ngày xưa, 2 bung bông vải (mỗi bung khoảng 3 - 5 kg) có thể đổi được một con lợn 3 gang vòng ngực. Trước đây, ai không có của cải đổi bông thì đành xé vỏ cây để dệt áo bằng sợi vỏ cây hoặc tấm áo vỏ cây.

Xa kéo sợi của người M'nông. Ảnh: T.Vịnh
Xa kéo sợi của người M'nông. 

Bông vải hái về phơi khô cất vào bung thường dính luôn hạt bên trong. Khi dùng, người ta lấy bông từ bung ra phơi thật khô rồi đưa vào rđét (bộ phận cán bông) để cán cho ra hạt. Rđét quay bông ra một bên, hạt ra một bên. Người ta lấy phần bông vừa được tách hạt phơi khô vài nắng rồi dùng nđắt (dụng cụ đánh bông) đánh bông cho tơi. Khi bông được đánh thật tơi rồi thì dùng cây tong lon (que cuốn bông bằng tre) để cuốn bông vải thành từng lọn to bằng ngón tay cái, dài khoảng 15 cm. Người ta đưa lọn bông vào khâng (xa quay sợi kéo chỉ bằng gỗ) kéo ra thành sợi chỉ vải trắng. Phụ nữ trong gia đình thường tranh thủ buổi sáng sớm, chiều tối và lúc nghỉ trưa để kéo chỉ. Khi nào kéo chỉ vừa đủ để dệt khố, váy thì đánh chỉ thành từng xâu đem luộc với nước vỏ cây kriăng. Khi luộc xong mang chỉ ra quấn vào rđot (dụng cụ kéo chỉ bằng tre) để kéo chỉ ra cho thẳng rồi vắt ráo nước phơi cho thật khô. Lúc này sẽ có sản phẩm toàn sợi màu trắng nguyên thủy của bông vải. Dệt vải trắng thì để nguyên, vải màu thì dùng thuốc nhuộm để cho ra màu tùy ý thích của mỗi người.

Các bà, các cô trong buôn không lúc nào rảnh rỗi, nghỉ dệt vải thì lo se bông, kéo sợi. Thậm chí, khi đi làm rẫy hoặc thả bò chăn trâu cũng gắng mang theo cái xa quay sợi và ít bông để kéo chỉ. Họ đi làm ở đâu cũng mang theo khung dệt để tranh thủ dệt vào giờ giải lao.

Phụ nữ M'nông dệt vải.  Ảnh: T.Vịnh
Phụ nữ M'nông dệt vải. 

Những năm gần đây, nghề dệt bông vải gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm. Nghề dệt của đồng bào M’nông trên địa bàn các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk đang có nguy cơ mai một, thất truyền. Giống bông bản địa, còn gọi là “bông cỏ” bị mất giống vì không còn ai gieo trồng và giữ giống. Một vài làng nghề, hợp tác xã dệt thổ cẩm phải mua sợi, len ngoài thị trường, chủ yếu là sợi tổng hợp sản xuất trong nước và nhập từ Trung Quốc nên không giữ được cái hồn cốt của thổ cẩm truyền thống, nhất là hoa văn và sắc màu.

Thiết nghĩ, với tiềm năng đất đai sẵn có, các tỉnh Tây Nguyên cần hình thành trung tâm trồng và sản xuất bông để cung cấp cho đồng bào địa phương. Khi có nguồn bông vải thường xuyên và ổn định, đồng bào sẽ có nguyên liệu sản xuất để dệt nên những sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa của từng dân tộc. Qua đó giúp đồng bào bảo tồn nghề truyền thống, tạo công việc làm, nguồn thu nhập ổn định từ hoạt động du lịch cho cộng đồng buôn làng. Đây cũng là việc làm cần thiết nhằm bảo tồn, phát huy làng nghề, giữ gìn di sản quý giá của tộc người M’nông.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.