Multimedia Đọc Báo in

Ghi nhận từ Liên hoan hát then - đàn tính mở rộng TP. Buôn Ma Thuột

08:50, 17/12/2020

Đầu tháng 12-2020, Liên hoan hát then – đàn tính mở rộng TP. Buôn Ma Thuột được tổ chức tại thôn Cao Thắng, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), nơi có nhiều người Tày tập trung sinh sống.

Liên hoan được tổ chức sau một năm (vào ngày 12-12-2020) tổ chức UNESCO chính thức ghi danh Thực hành then nghi lễ dân tộc Tày, Nùng là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Vinh dự này không chỉ của các dân tộc thiểu số có sử dụng đàn tính, hát then như Tày, Nùng, Thái... mà còn là niềm vui chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Khó có thể diễn tả hết niềm vui các nghệ nhân đàn tính, hát then được gặp nhau trong một cuộc liên hoan dành riêng cho di sản của tộc người mình. Hơn 100 nghệ nhân nam nữ, già trẻ từ các xã Ea Sar (huyện Ea Kar), Cư Kbang (huyện Ea Súp), Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn), Ea Khăl (huyện Ea H’leo), Bình Thuận (TX. Buôn Hồ), Đắk Nuê (huyện Lắk), Cư Êwi (huyện Cư Kuin) đã cùng hợp đàn với các nghệ nhân TP. Buôn Ma Thuột. 41 tiết mục gồm cả then cổ, then mới, tấu đàn tính, hát đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca... có múa phụ họa đã được trình diễn.

Một tiết mục trong Liên hoan hát then - đàn tính mở rộng TP. Buôn Ma Thuột.
Một tiết mục trong Liên hoan hát then - đàn tính mở rộng TP. Buôn Ma Thuột.

Điệu then cổ rất khó, chỉ có hai đơn vị Buôn Ma Thuột và Lắk phục dựng được (tiết mục “Lên chợ trời”, “Cốc tính”) qua tài nghệ của hai nghệ nhân Nông Thị Vườn và Lương Văn Kim. Điệu then sinh hoạt có giai điệu na ná nhau (trừ những bài có sự phát triển của các tác giả chuyên nghiệp), nhưng nội dung vẫn rất phong phú: ca ngợi Đảng, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, niềm vui ấm no trên quê hương mới, nỗi nhớ thương quê cũ ngàn trùng xa ngái, tình đoàn kết với anh em các dân tộc, hát về tình mẹ, về người chiến sĩ...

Thật đáng trân trọng vì trong những tiết mục có phần còn đơn giản, vụng về, vẫn thấy được những tay đàn xuất sắc cả nam lẫn nữ, tuổi cao lẫn tuổi trẻ, như: tiết mục tấu đàn tính của câu lạc bộ (CLB) Buôn Hồ; cặp song ca nữ rất trẻ của CLB huyện Lắk, CLB huyện Buôn Đôn. Nghệ nhân Nông Thị Vườn ở CLB Buôn Ma Thuột chơi thành thạo hai cây đàn tính, hát hai tông giọng khác nhau trong bài then cổ "Khỉn háng tam quan" (Lên chợ trời). Những giọng ca ấm áp, rất sáng như Đàm Đức Chính, Hoàng Thị Hoa, Hà Thị Vinh... Những cách dàn dựng phụ họa rất sáng tạo, nâng được tầm nghệ thuật hát then – đàn tính; nhất là múa không xa rời múa dân gian gốc của người Tày mà vẫn có hiệu quả. Các tiết mục song ca “Trăng soi đường Bác”, “Trẩy hội” của huyện Buôn Đôn, bài “Then tặng mẹ” của TP. Buôn Ma Thuột, “Để đàn then ngân mãi” của CLB huyện Lắk, “Hát về Đại tướng” của CLB TX. Buôn Hồ, “Pắc Pó – Làng Sen” và “Gặp nhau ngày hội” của CLB TP. Buôn Ma Thuột... mang lại hiệu quả sân khấu khá cao.

Giải Nhất được trao cho CLB TP. Buôn Ma Thuột, giải Nhì cho CLB huyện Lắk, đồng giải Ba cho hai CLB Buôn Đôn và TX. Buôn Hồ, cùng 3 giải A, 5 giải B và 10 giải C cho các tiết mục. Liên hoan hát then – đàn tính lần đầu tiên đã khép lại.

Lần đầu tiên tổ chức nên chắc chắn việc dàn dựng còn đơn sơ, thiếu cả sự đa dạng của dân ca Tày, Nùng với những làn điệu sli, lượn Giá Hai, Nàng ới, Hoa tình... độc đáo. Lời then còn quá mộc mạc, bình dân, chưa có sự chắt lọc. Hy vọng sẽ có các lần liên hoan tiếp theo, thậm chí là Liên hoan hát then – đàn tính ở cấp tỉnh để quy tụ đông đảo hơn người tham gia, chất lượng nghệ thuật cao hơn và di sản độc đáo này tiếp tục được bảo tồn, phát huy.

Linh Nga Niê Kdam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.