Multimedia Đọc Báo in

Thêm yêu "đời lính"

08:39, 27/12/2020

Qua những câu chuyện, kỷ niệm được chia sẻ trong đêm giao lưu với nghệ sĩ điện ảnh mới đây đã giúp cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 303, Trung đoàn Bộ binh 584 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) hiểu rõ hơn về công việc làm phim, về cuộc sống đời thường cũng như quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ điện ảnh; đồng thời, cũng là dịp để các nghệ sĩ điện ảnh thêm hiểu, thêm yêu những người lính...

Ngay từ phút đầu, không khí buổi giao lưu đã trở nên sôi động với chương trình văn nghệ gồm các ca khúc viết về anh bộ đội Cụ Hồ do Đội văn nghệ xung kích Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh dàn dựng và biểu diễn.

Tiếp đó, các CBCS được gặp gỡ, giao lưu với êkíp sản xuất của hai bộ phim truyện “Lính chiến”, “Truyền thuyết về Quán Tiên” và phim tài liệu “Chúng tôi là lính sinh viên”. Đây đều là những bộ phim mới nhất của điện ảnh Việt Nam, có đề tài về chiến tranh cách mạng nhằm tôn vinh lòng yêu nước, niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm của thế hệ đi trước...

Giới thiệu bộ phim tài liệu “Chúng tôi là lính sinh viên” (Sản xuất: Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, đạo diễn: Hoàng Dũng), nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Hảo tâm sự, sinh ra và lớn lên trong thời bình, chúng tôi chỉ biết đến chiến tranh thông qua những câu chuyện kể, sách vở và phương tiện thông tin đại chúng nên khi bắt tay vào sản xuất bộ phim thì cả êkíp phải đọc rất nhiều tài liệu, tìm gặp rất nhiều nhân chứng lịch sử.

Điều may mắn đối với đoàn làm phim là đã được gặp nhiều người từng là sinh viên đã tòng quân lên đường chiến đấu; trong đó, đặc biệt nhất là nhà báo Phùng Huy Thịnh - một cựu chiến binh, nhập ngũ từ những năm 70 của thế kỷ trước, năm nay đã gần 70 tuổi nhưng vẫn tràn đầy chất lính thời trai trẻ.

Nhà báo Phùng Huy Thịnh - nhân vật chính trong bộ phim tài liệu
Nhà báo Phùng Huy Thịnh - nhân vật chính trong bộ phim tài liệu "Chúng tôi là lính sinh viên" chia sẻ cảm xúc tại buổi giao lưu.

Nhiều câu chuyện xúc động, nhiều kỷ niệm sâu sắc về đời lính, về một thời cả nước sục sôi lên đường ra trận được nhà báo Huy Thịnh kể lại bằng chất giọng truyền cảm, sâu lắng, xen lẫn niềm xúc động, bùi ngùi. Năm 1971, hơn 3.500 sinh viên các trường đại học, cao đẳng miền Bắc sẵn sàng “xếp bút nghiên” để lên đường theo tiếng gọi non sông. Trong suốt những năm tháng chiến tranh, trải qua bao mất mát, đau thương khi tự tay chôn cất rất nhiều đồng đội nên ông thấu hiểu sự hy sinh anh dũng vì lý tưởng cách mạng cao cả của họ. Từ đó ông chiêm nghiệm: “Trong cuộc đời mỗi con người, tình cảm gia đình, tình bạn bè đã rất cao đẹp nhưng tình đồng chí, đồng đội còn cao đẹp hơn hết thảy. Đó là những người luôn sát cánh bên nhau, không chỉ chia sẻ với nhau những gian khổ mà còn san sẻ cả máu. Tôi may mắn hơn nhiều khi lành lặn trở về sau cuộc chiến là nhờ sự đùm bọc, chở che của đồng đội, nhiều người đã nằm lại nơi chiến trường vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Vì vậy, tôi rất biết ơn và trân trọng những gì mình được hưởng ngày hôm nay...".

Diễn viên Hồ Minh Khuê, vai Phượng trong bộ phim
Diễn viên Hồ Minh Khuê, vai Phượng trong bộ phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" chia sẻ kỷ niệm với các cán bộ, chiến sĩ.
 

"Qua những thước phim đã cho thế hệ trẻ hôm nay thấm thía hơn với những mất mát, đau thương mà biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Vì vậy, CBCS lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk sẽ kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của thế hệ cha anh đi trước, quyết tâm xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh ngày càng vững mạnh, sẵn sàng bảo vệ vững chắc Tổ quốc".    

 
Thượng tá Trần Minh Trọng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Bộ phim truyện “Lính chiến” kể về những người lính trong chiến tranh đã sát cánh cùng nhau vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong thời bình họ cùng nhau xây dựng đất nước, vẫn giữ được phẩm chất người lính Cụ Hồ. Bộ phim vừa diễn tả được sự khốc liệt của chiến tranh vừa lột tả được những khó khăn gian nan của cuộc mưu sinh làm kinh tế trong thời bình. Còn bộ phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" lấy bối cảnh Trường Sơn thời chống Mỹ, dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Xuân Thiều, là một lát cắt về tâm sự, hoàn cảnh của phụ nữ thời chiến... Tại buổi giao lưu, các đoàn làm phim đã chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ, những vất vả, khó khăn trong quá trình sản xuất phim, đặc biệt là kỷ niệm khi trở về những ngày tháng đất nước chìm trong tang tóc, đau thương của chiến tranh; các diễn viên chia sẻ niềm tự hào, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp khi được hóa thân thành những người lính, những thanh niên xung phong hừng hực khí thế của tuổi đôi mươi, vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy của bom đạn, chỉ có một khát khao cháy bỏng đó là đánh đuổi giặc Mỹ, giải phóng quê hương.

Những chia sẻ trong buổi giao lưu đã tạo ấn tượng sâu sắc với các chiến sĩ. Binh nhất Trương Văn Ngân, Đại đội 6, Tiểu đoàn 303 chia sẻ: "Những ngày đầu vào quân ngũ, em thấy công việc huấn luyện ở đơn vị vất vả quá, nhiều lúc tưởng như không thể vượt qua. Nhưng hôm nay, được biết về cuộc sống sinh hoạt, chiến đấu của người lính năm xưa qua những câu chuyện kể, những thước phim chân thực, sinh động đã giúp em hiểu rằng đã là người lính luôn phải cố gắng rèn luyện, sẵn sàng đương đầu với gian khó, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Buổi giao lưu này thật là ý nghĩa và qua đây em tin là các chiến sĩ trẻ sẽ có thêm động lực học tập, huấn luyện và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".  

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.