Multimedia Đọc Báo in

Xa quay sợi của đồng bào Tây Nguyên

10:43, 13/12/2020

Trong cuộc sống mưu sinh, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã sáng tạo ra nhiều công cụ lao động hữu ích phục vụ việc nương rẫy và các nghề thủ công truyền thống như đan lát, làm đồ gốm, dệt thổ cẩm...

Nói đến nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, không thể không nói đến xa quay sợi, một dụng cụ tinh tế, hiệu quả biến bông vải thành sợi, là nguyên liệu chính để dệt vải.

Sau khi bông được thu hoạch, mang về phơi khô, bảo quản, đồng bào tiến hành các công đoạn chế biến sợi. Trước tiên là tách hạt khỏi quả bông vải, đánh tơi bông, cuốn bông vào que tre và tiến hành quay sợi, xe bông thành sợi. Người ta đưa lọn bông vào xa kéo sợi (người Cơ Tu gọi là chia, người Tà Ôi gọi là parnee'r, người M’nông gọi là khâng). Xa kéo sợi là công cụ phức tạp với nhiều bộ phận cấu tạo mà một người dệt thành thạo có thể làm ra sợi đều mịn như sợi được sản xuất trên máy.

Thợ dệt kéo sợi bông vải bằng xa quay sợi.
Thợ dệt kéo sợi bông vải bằng xa quay sợi.

Trong cuộc sống hằng ngày, các bà, các cô luôn bận rộn, luôn chân luôn tay, không dệt vải thì kéo sợi. Thậm chí, khi đi làm rẫy hoặc thả bò chăn trâu, họ cũng gắng mang theo cái xa quay sợi và ít bông để kéo chỉ. Các cô gái chưa chồng thi nhau kéo chỉ vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sớm trước khi trời sáng. Chỉ cần nhìn vào cuộn sợi của cô nào thấy to nhất là biết ngay được cô ấy giỏi giang nhất. Một cô gái biết dệt vải, thêu thùa chứng tỏ khéo tay hay việc, là phẩm chất hàng đầu khiến họ được coi trọng trong cộng đồng và là tiêu chuẩn hàng đầu của các chàng trai khi tìm kiếm ý trung nhân. Vì vậy các cô gái đua nhau kéo chỉ để cuộn chỉ do mình làm ra cũng to như cuộn chỉ của mẹ Rong trong Ot n’rong (Sử thi M’nông).

Người M’nông có câu nói vần về sự cần cù của các bà, các cô gái: “Bôk măng rôi/Đăk ôi ma tanh/Kranh nar ma tiă” (dịch nghĩa: Buổi tối kéo chỉ/Buổi sáng dệt vải/Buổi trưa thêu thùa). Mỗi sáng dậy, khi gà gáy lần đầu, họ vừa thổi cơm vừa cặm cụi cuốn bông, kéo chỉ. Buổi tối, cơm nước xong, họ cũng tranh thủ kéo chỉ cho đến khuya mới đi ngủ. Vừa kéo chỉ vừa kể chuyện giáo dục và chỉ bày cho con gái cách kéo chỉ, dệt vải. Bằng những câu ca có vần điệu, ý tứ sâu sắc, người bà, người mẹ dạy bảo, khuyên răn cháu con rèn luyện tính nết, cái duyên con gái và còn giỏi nhiều công việc, nhất là nghề kéo sợi, dệt vải - một cái nghề mà bất cứ một cô gái nào đến tuổi trưởng thành cũng đều phải thành thạo.

Xa quay sợi là dụng cụ gắn bó với cuộc sống của đồng bào. Nó không chỉ là một loại đồ dùng lao động thông thường mà còn là tài sản quý giá của mỗi gia đình. Người ta luôn giữ gìn xa quay sợi như báu vật, tránh làm mất mác, hư hỏng vì “cỗ máy” này không phải ai cũng làm được. Bà con, khách khứa đến nhà thăm chơi, nhìn vào xa quay sợi quấn đầy sợi bông là biết được sự khéo léo của những người phụ nữ trong gia đình ấy. Bằng sự cần cù và đôi tay khéo léo, họ làm ra những tấm vải thổ cẩm, bảo đảm cái mặc cho cả gia đình. Vải vóc còn dư có thể mang trao đổi để có những tài sản, vật dụng khác.

Xa quay sợi là hiện vật mang dấu ấn sáng tạo văn hóa tộc người. Tại các bảo tàng lớn trong nước như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và bảo tàng ở các tỉnh Tây Nguyên đều trưng bày “cỗ máy” này, giới thiệu bộ sưu tập nghề thủ công truyền thống của các dân tộc. Trong các ngày hội văn hóa, du khách được xem các cô gái Tây Nguyên kéo sợi, dệt vải, những thao tác tưởng đơn giản nhưng phải qua truyền nghề, học hỏi lâu dài thành kỹ năng. Chiếc xa quay sợi cùng với người thợ dệt đã tạo nên di sản văn hóa đầy tính nhân văn và mang đậm bản sắc tộc người.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.