Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo những phiên chợ trâu ở Việt Nam

15:54, 13/02/2021

Chợ trâu Ú

Chợ Ú thuộc xã Đại Sơn, huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An) là phiên chợ trâu bò lớn có tiếng khu vực Đông Nam Á. Chợ này mỗi tháng họp 6 phiên vào các ngày: 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch. Chợ họp từ 4 giờ sáng đến khoảng 8 giờ sáng là vãn. Nguồn hàng từ các nơi trong và ngoài tỉnh Nghệ An cũng như từ Lào, Thái Lan, Myanmar... tập trung về.

Chợ Ú có khu vực trâu và bò riêng. Tại phiên chợ, trâu bò được người bán dắt tay hay cột vào những chiếc xe, những cột điện trên sân chợ. Người mua đi quanh một lượt, chọn được con nào ưng ý thì trả giá với người bán. Hai bên ra giá, thỏa thuận xong thì trả tiền ngay tại chợ.

Chợ trâu Ú
Chợ trâu Ú

Các thương lái ở tỉnh xa sau khi mua được số lượng lớn trâu bò sẽ đưa lên các xe ô tô để chở đi các tỉnh. Những con chưa bán được thì người dân tiếp tục vỗ béo để chờ phiên giao dịch sau. Trâu bò ở đây chủ yếu được mua về giết mổ lấy thịt. Tùy thuộc vào độ to, nhỏ, béo, gầy, non, già… mà giá trâu bò từ vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng. Chợ trâu, bò nhộn nhịp đã tạo điều kiện cho người dân xã Đại Sơn và các xã xung quanh phát triển mạnh nghề vỗ béo trâu, bò mang lại thu nhập cao.

Chợ trâu Bắc Hà

Chợ trâu Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) nổi tiếng và là phiên chợ trâu lớn nhất vùng Tây Bắc. Chợ họp vào sáng chủ nhật hằng tuần và kết thúc chiều cùng ngày. Phiên chợ trâu diễn ra trên khu đất rộng hàng nghìn mét vuông, nằm ngay bên bờ sông cách trung tâm thị trấn Bắc Hà chưa đầy cây số. Từ sáng sớm cho đến lúc tan chợ, khu đất này lúc nào cũng “ken đặc” trâu.

Chợ trâu Bắc Hà
Chợ trâu Bắc Hà.

Vào ngày diễn ra phiên chợ, người dân khắp các bản lại nô nức kéo nhau đến chợ trâu tham dự. Người mua, kẻ bán làm cho không khí nhộn nhịp khắp một vùng. Có những hộ ở cách chợ cả chục cây số phải tranh thủ đi từ lúc 4 giờ sáng, vượt qua nhiều đèo dốc để kịp phiên chợ. Người dân vùng cao luôn xem “con trâu là đầu cơ nghiệp” nên gia đình nào cũng cần có một con trâu để sản xuất nông nghiệp. Vì thế phiên chợ trâu là nơi mua bán quan trọng với bà con vùng cao Bắc Hà. Tùy thuộc từng con trâu to nhỏ, tuổi đời, đực hay cái để định giá khác nhau. Trâu giá rẻ cũng từ 15 - 20 triệu đồng, có con đắt lên đến 60 triệu đồng.

Chợ trâu Cán Cấu

Chợ phiên Cán Cấu là một khu chợ đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Giáy, Mông Hoa) vùng Tây Bắc. Chợ nằm ven đường ĐT153 - con đường đất duy nhất nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên giới Si Ma Cai, thuộc địa phận xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai). Chợ thường họp vào các ngày: thứ bảy hằng tuần, ngày lễ, tết trong năm, kéo dài từ sáng sớm đến quá trưa. Đây còn là chợ trâu lớn thứ nhì Tây Bắc với hàng trăm con trâu được giao dịch trong mỗi phiên chợ.

Cán Cấu là một trong những phiên chợ hiếm hoi còn giữ được nét đặc trưng hoang sơ vốn có của vùng cao. Chợ nằm giữa không gian được bao bọc bởi những thửa ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp nối tiếp nhau bám vào sườn đồi núi, phía xa xa là núi rừng Tây Bắc hùng vĩ. Ngoài trâu, bò được giao dịch thì Cán Cấu còn buôn bán rau củ quả, chim cảnh, thảo dược và các món ăn đặc trưng… Chính nét độc đáo này đã thu hút đông đảo khách du lịch nhiều nơi trong cả nước đến tham quan.

Chợ trâu Trà Lĩnh

Chợ  phiên Trà Lĩnh nằm bên đường ĐT211 thuộc thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng). Chợ họp vào các ngày mùng 4, 9, 14, 19, 24 và 29 âm lịch hằng tháng. Mỗi phiên chợ ở đây tiêu thụ khoảng 1.000 con trâu bò các loại.

Chợ trâu Trà Lĩnh
Chợ trâu Trà Lĩnh.

Chợ bắt đầu họp tờ mờ sáng cho đến trưa. Chẳng quá khi nói phiên chợ như một “sàn giao dịch trâu bò” độc nhất vô nhị trong vùng. Chợ thu hút rất đông thương lái ở các địa phương khác đến mua về bán cho nông dân lấy sức kéo hay để làm thịt hoặc tìm những con trâu tốt để nuôi dưỡng trở thành trâu chọi. Cũng không ít thương lái từ bên kia biên giới sang mua trâu, bò. Chợ phiên còn là nơi người dân gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm mua bán, chọn giống, trao đổi cách chăn nuôi, vỗ béo trâu bò, tham khảo giá cả thị trường.

Trần Thái Học (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.