Multimedia Đọc Báo in

Một tập thơ hay cho thiếu nhi

07:54, 21/02/2021

Quen biết và đọc thơ của Đỗ Toàn Diện đã lâu. Từ năm 1992 tôi đã giới thiệu tập “Hoa trong cỏ”, in chung ba người, trong đó có Đỗ Toàn Diện.

Phải công nhận, làm thơ với Đỗ Toàn Diện là sự kiên trì, khổ luyện. Diện thử sức ở nhiều thể loại, tìm hướng đi cho mình để có thơ châm và thơ thiếu nhi. Cả hai đều khó viết, viết cho bạn đọc nhớ lại càng khó.

“Đám mây màu cổ tích” là tập thơ viết cho thiếu nhi được nhà thơ chăm chút trở thành ấn phẩm đẹp cả về nội dung và hình thức.

Trong đó, “Trời khóc” là bài hay, có cái nhìn ngộ nghĩnh qua lăng kính trẻ thơ. Trời có mặt, có mắt, nhìn khắp thế gian mà có lúc phải khóc: Mây đen che mặt/ Nhìn chẳng thấy gì/Bị thần sét quát/ Trời cũng khóc nhè. Cơn mưa thường kèm sấm chớp. Thần sét quát, trời khóc nhè, ngây thơ lắm, trẻ em lắm nên chi tiết này rất đắt.

Bài “Cuội” có tứ hay, hợp tâm lý lứa tuổi: Chú Cuội tênh nghếch/ Gốc đa mỉm cười. Cuội cũng ngủ gật vì gió mát hiu hiu nên để trâu đi mất: Bỗng chú tỉnh giấc/ Trâu đâu mất rồi?/ làm sao tìm được/ Đầy trời sao rơi!

Bài “Quạt máy” liên tưởng đến sự đoàn kết. Ba cánh của quạt máy, bạn nhỏ dễ liên hệ đến ba cây chụm lại tạo nên sức mạnh. Tôi rất thích câu: Mùa hè nóng bức/ Uống sạch mồ hôi. Từ uống sạch có sự tìm tòi, sáng tạo, nâng cả câu thơ và bài thơ vì phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của tuổi thơ.

Bài “Hồ Ba Bể” có một khổ thơ khá thú vị qua lăng kính của trẻ em: Giữa núi rừng bát ngát/ Cây uốn lượn như rồng/Cây sà xuống uống nước/ Sắc phong lan tím hồng. “Cây sà xuống uống nước” là câu thơ hay, có sự tìm tòi, hình ảnh đẹp, gợi cảm.

“Mặt trời ham chơi” là bài thơ đẹp cả về hình ảnh, cấu tứ. Thể hiện đúng tâm sinh lý lứa tuổi khi nghĩ về mặt trời những ngày dậy muộn. Vì mê ngủ, không nghe gà gọi, trời rét, lười biếng nên: Kéo chăn mây che. Mặt trời thức dậy, sinh khí ùa vào cảnh sắc, thơ cũng reo vui: Những giọt sương trốn biệt/ Chim chuyền cành reo vui/ Đồng quê bừng tỉnh giấc/ cánh cò treo ngang trời. Cánh cò bay liệng thì nhiều người đã viết, còn cánh cò treo thì mới, lơ lửng và chầm chậm trong buổi bình minh. Thật đẹp và thơ mộng để dẫn đến đoạn kết mang tính giáo dục nhẹ nhàng, thấm thía: Ông mặt trời hối lỗi/Bởi cái tội ham chơi/Khuya chưa chịu đi ngủ/Nên dậy muộn đấy thôi!

Bài “Quyển lịch” được đưa lên đầu tập là hợp lý, có thể do viết sớm hơn các bài khác, nhưng nó là sự vĩnh hằng của thời gian theo suốt bốn mùa rồi quay trở lại. Mang tính giáo dục lại có tính triết lý: Lao động miệt mài/ Gầy theo năm tháng/Thời gian mải miết/ Tôi vẫn âm thầm/Nhắc cho người biết/ Công việc chuyên cần.

Quyển lịch – thời gian – con người, đó cũng là lời nhắn nhủ với các em.

Bài “Mùa hè ở quê em”, hình ảnh rất gợi cảm. Thương người lao động vất vả trước thiên nhiên khô cằn: Nóng bức và cồn cào/ Ve sầu mệt khóc lả/Hai mẹ con nhà nghé/ Trốn bụi tre nhai trầu! Những câu trên xứng đáng được xếp vào hàng những câu thơ hay viết cho thiếu nhi.

Bài thơ lấy tên chung cho tập: “Đám mây màu cổ tích” để cuối tập là có dụng ý, gói gọn cuộc hành trình: Trong ngôi nhà cổ tích/ Viền mây màu ngũ sắc. Phiêu du cùng mây, trước hết là quê hương: Qua cánh đồng trĩu hạt/ Tiếng sáo diều bát ngát. Rồi mới bay xa đến châu Phi: Cưỡi lưng hươu cao cổ/ Ngựa hoang vằn mê ly/Có sư tử vờn mồi… Ngắm thỏa thuê đài voi.

Giấc mơ đẹp, lãng đãng phiêu bồng mà thiếu niên đọc truyện tranh để đêm ngủ thường mơ tới.

Tập thơ sử dụng chủ yếu là thơ bốn hoặc năm âm tiết, dễ nhớ, dễ thuộc, mang âm hưởng của vè, đồng dao rất phù hợp với trẻ em.

Thành công của tập thơ là điều hiển nhiên. Chỉ có điều nhiều câu kết các bài thơ mang tính giáo dục còn lộ liễu ý đồ của tác giả, mà thơ cần ý tại ngôn ngoại. Thí dụ như các bài “Đội mũ bảo hiểm”, “Cờ đỏ sao vàng”, “Voi con”… câu kết chưa hay. Còn bài “Lên rẫy”, có câu: Sương treo đầu ngọn cỏ/Tia nắng chuyền long lanh nghe quen quen, hình như trong bài “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung viết từ thời chống Pháp được giải thưởng quốc tế cũng viết: Sương treo đầu ngọn cỏ/Sương lại càng long lanh.

Một vài sơ suất nhỏ nhưng tập thơ vẫn đáng đọc và mảng đề tài viết cho thiếu nhi rất khó, cần khuyến khích.

Đầu Xuân 2021

Hữu Chỉnh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.