Multimedia Đọc Báo in

Tư tưởng trọng nông của Hoàng đế Minh Mạng

05:48, 17/02/2021

Con trâu là đầu cơ nghiệp, là công cụ không thể thiếu trong mỗi gia đình nông dân xưa. Con trâu cũng gắn liền với tư tưởng trọng nông. Do đó, dưới thời phong kiến nước ta, các triều đại nối tiếp nhau đều cử hành nghi lễ tịch điền (vua đi cày) cốt để nêu gương cho dân.

Dưới triều Nguyễn, vua Minh Mạng là vị vua thể hiện rõ nhất tư tưởng trọng nông. Sách chính sử Đại Nam thực lục chép rằng: “Ngày Kỷ Sửu, vua thân đi cày ruộng tịch điền. Trước hôm ấy một ngày, vua ra chơi cung Khánh Ninh, thấy trong cung treo đèn, kết hoa rất rực rỡ. Vua bảo: “Ta thấy rằng từ mùa thu năm ngoái, bỗng gặp tai thương, ta phải xét mình sửa nết: phàm những đồ châu báu vàng ngọc bày ở trong cung cũng đều bỏ bớt đi nhiều; huống chi cung này chỉ là chỗ tạm trú một đêm, thì dùng các thứ ấy làm gì? Từ nay không nên bày đặt nữa”. Kịp khi xem xét những đồ làm ruộng, thấy có nhiều thứ trang sức bằng vàng, vua bảo: “Ta hằng năm thân đi cày ruộng tịch điền, ý muốn chăm việc gốc, trọng nghề nông, lấy mình làm gương cho dân, cho nên không ngại khó nhọc. Đã gắng sức làm việc ở đồng ruộng, lại còn thích gì đến vàng? Huống chi cái cày, cái bừa mà trang sức bằng vàng thì thật vô vị mà lại tỏ ra xa phí. Cái gì thôi được thì thôi đi, chẳng hạn như cái tay cày thì chớ trang sức”.

Lễ tịch điền là lễ tự vua xuống ruộng đi cày để làm gương cho người dân cũng như thể hiện việc quan tâm đến người dân. Khi vua đi cày mới cảm nhận hết được nỗi vất vả cực nhọc của người dân, qua đó thể hiện sự cảm thông của vua với dân. “Vua tự mình đến cày ruộng tịch điền”, sau khi làm lễ tế xong thì vua tự mình đến ruộng tịch điền cày đi bừa lại ba đường, sau đó đến lượt công khanh, và sau nữa là các nông phu đều cày. Vua nói: “Trẫm thấy phần đông trên mặt đều đổ mồ hôi, như thế đủ thấy công việc cày cấy rất khó khăn nhọc mệt, mà nông dân quanh năm cần cù vất vả vẫn không đầy đủ no ấm, trẫm lấy làm thương xót lắm”.

Hình tượng con trâu trang trí trên Cửu đỉnh ở Thế Tổ miếu trong Hoàng cung Huế. Ảnh: Võ Thạnh
Hình tượng con trâu trang trí trên Cửu đỉnh ở Thế Tổ miếu trong Hoàng cung Huế. Ảnh: Võ Thạnh

Một đất nước trọng nông, vì thế đa phần người dân sống bằng nghề nông, nếu như xảy ra thiên tai hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh thì người dân xem như gặp đói. Do đó, dưới triều vua Minh Mạng đã ban hành nhiều chính sách nhằm giúp đỡ người dân bị thiên tai, lũ lụt như mở kho thóc cứu tế, giảm tô thuế cho dân, bán thóc giá rẻ… Sinh thời vua nói rằng: “Trẫm nghĩ thiên tứ lấy trời làm cha, lấy đất làm mẹ mà mình làm con. Phàm dân thiên hạ đều là đồng bào, không ai là không cùng huyết thống. Cho nên vua nói rằng, vua là con trưởng của cha mẹ ta, con trưởng thừa kế cha mẹ làm vua thiên hạ, trách nhiệm rất lớn! Tất nhiên phải có đạo nuôi dân, có cách dạy dân để cho khắp cả dân trong thiên hạ không người nào là không yên ổn ở nơi mình, thế mới là làm hết chức trách”.

Việc tiến hành lễ tịch điền nhằm cổ súy, ca ngợi nền nông nghiệp nước nhà và việc các hoàng đế tự mình đi cày là một hình ảnh đẹp đối với nhân dân. Những năm gần đây nước ta đã tái hiện lễ tịch điền vào những ngày xuân (thường vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch) cũng nhằm để khuyến khích phát triển nền nông nghiệp nước nhà.

Nguyn Huy Khuyến

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.