Multimedia Đọc Báo in

Giữ gìn sắc màu thổ cẩm ở buôn Tring

08:38, 13/03/2021

Thiết tha với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, từ nhiều năm nay, các bà, các mẹ ở các buôn Tring 1, 2, 3 (phường An Lạc, TX. Buôn Hồ) vẫn nỗ lực duy trì nghề dệt, ngày ngày miệt mài bên khung cửi tạo ra những hoa văn thổ cẩm đặc sắc… Điều họ mong mỏi nhất là lớp trẻ có thể kế thừa và gìn giữ nghề truyền thống của ông bà.

Đã qua 60 mùa rẫy nhưng bà H’Nuat Niê (ở buôn Tring 2) vẫn miệt mài với khung dệt, say mê từng sợi vải, từng họa tiết hoa văn thổ cẩm. Ngày trước bà H’Nuat cũng học dệt thổ cẩm từ mẹ của mình, sau đó lại được tham gia một lớp dạy nghề dệt do các nghệ nhân truyền dạy. Từ đó đến nay đã hơn 20 năm  bà gắn bó với công việc dệt thổ cẩm. Không chỉ biết dệt vải, bà H’Nuat còn biết cắt ráp, may đồ. Khách hàng của bà không chỉ ở trong buôn mà còn đến từ nhiều nơi khác ở các huyện Krông Búk, Ea H’leo, Ea Kar, Cư M’gar. Công việc dệt thổ cẩm, may đồ đã đem lại nguồn thu nhập ổn định để nuôi sống gia đình bà H'Nuat. Trung bình mỗi tháng bà H’Nuat có thu nhập khoảng 5 triệu đồng từ nghề dệt, may. Những tháng gần tới mùa lễ hội, nhu cầu may đồ tăng lên thì thu nhập của bà H’Nuat có thể lên đến 8 triệu đồng.

Các nghệ nhân ở buôn Tring truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho lớp trẻ.
Các nghệ nhân ở buôn Tring truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho lớp trẻ.

Ngoài dệt, may đồ cho khách, bà H’Nuat còn mang những sản phẩm của mình tham dự Ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số địa phương và nhiều lần đoạt giải cao. Nhưng điều bà H’Nuat vui hơn là cô con gái 16 tuổi của bà cũng chịu khó theo mẹ học nghề. Bà H’Nuat tâm sự: “Ngày xưa, tất cả con gái Êđê đều phải biết dệt thì mới đi cưới chồng được. Đó là điều kiện quan trọng nhất để đánh dấu sự trưởng thành của cô gái; trong các lễ vật mang sang nhà trai buộc phải có quần áo, khăn, túi thổ cẩm do cô gái tự dệt. Tuy nhiên, xã hội ngày càng hiện đại, tập tục đó ngày nay cũng mai một, nhiều cô gái Êđê không còn biết dệt. Vì thế, khi con gái tôi theo mẹ học nghề dệt, tôi vui lắm vì nghề truyền thống đã có người tiếp nối”.

Còn bà H’Blă Niê (ở buôn Tring 1) bắt đầu học và dệt thổ cẩm từ năm 15 tuổi. Năm nay bà H’Blă đã hơn 60 tuổi mắt kém, lưng đau, tay chân nhức mỏi nên không thể ngồi dệt lâu. Song, điều khiến bà H’Blă mãn nguyện là đã truyền nghề cho bốn người con, cháu của mình. Bà chia sẻ: “Thời gian dệt lâu hay mau còn tùy vào từng loại chỉ. Các loại chỉ len sợi dày, to thì dệt mau hơn, khoảng 6 ngày là dệt xong một tấm vải để may một bộ đồ nữ gồm áo và váy. Các loại chỉ mỏng, sợi nhỏ, mịn, chất lượng bền thì dệt lâu hơn, mất khoảng 10 ngày mới dệt xong vải để may một bộ đồ nữ. Đồ nam dệt khoảng 15 ngày vì nhiều chi tiết. Mỗi tấm chăn đắp khoảng 2 tháng mới dệt xong. Tùy theo loại hoa văn khác nhau sẽ có cách ghép màu chỉ khác nhau. Giá trị của từng sản phẩm thổ cẩm còn phụ thuộc vào họa tiết hoa văn cầu kỳ hay đơn giản. Hoa văn trên thổ cẩm càng đẹp, càng tỉ mỉ và sắc sảo thì càng chứng tỏ được giá trị của sản phẩm”.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm H'Blă Niê (buôn Tring 1).
Nghệ nhân dệt thổ cẩm H'Blă Niê (buôn Tring 1).

Chị H’Ơi Niê (25 tuổi) tham gia lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm cách đây hơn một năm nên tay nghề vẫn còn hạn chế, vì vậy chị thường đến nhà các nghệ nhân lớn tuổi trong buôn để học thêm. Tuy nhiên, chị trăn trở: “Hiện số lượng nghệ nhân Êđê biết dệt thổ cẩm thành thạo ở phường An Lạc không còn nhiều. Phần lớn họ đều đã cao tuổi nên khó khăn trong việc truyền dạy nghề. Trong khi đó, thế hệ trẻ đam mê với văn hóa dệt thổ cẩm Êđê rất cần được các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy thêm”.

Thái Huyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.