Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội Mường trên vùng đất Tây Nguyên

08:47, 25/03/2021

Đã bao năm rời xa quê hương đến lập nghiệp nơi vùng đất mới, nhưng những người con dân tộc Mường ở thôn Cao Thắng (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn duy trì một lễ hội hết sức đặc biệt trong những ngày đầu xuân năm mới, đó là lễ Khai hạ.

Thôn Cao Thắng có hơn 70% dân số là người Mường gốc tại tỉnh Hòa Bình di cư vào Buôn Ma Thuột sinh sống từ năm 1952. Ban đầu họ cư ngụ tại xã Hòa Thắng, đến năm 1983 một số gia đình chuyến sang xã Ea Kao làm ăn, xây dựng kinh tế. Bởi vậy, tên gọi Cao Thắng (người dân thường gọi là Cao Thắng) là được ghép từ 2 xã Hòa Thắng và Ea Kao.

Ông Bùi Hoàng Thắng (Phó Ban trình sự đình làng Cao Thắng, xã Ea Kao) cho hay: “Người Mường đi đâu cũng giữ hồn cốt phong tục tập quán của dân tộc mình, dù chỉ một gia đình hay cả một tập thể, khi đến nơi nào sinh sống cũng mang theo bàn thờ của tổ tiên, xây miếu thờ, đình làng ở đó với ý nghĩa cầu xin các ngài nhìn thấy con dân của mình đang sinh sống, phù hộ cho cuộc sống tốt đẹp. Cùng với đó, những lễ hội như Khai hạ cũng được tổ chức thường niên vào đầu tháng Giêng hằng năm, cầu cho mưa thuận gió hòa". Truyền thống tốt đẹp này đã nối tiếp nhiều đời. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lễ Khai hạ tại thôn Cao Thắng chỉ tổ chức trong phạm vi nhỏ, chủ yếu là bà con trong thôn, thế nhưng vẫn đầy đủ các nghi lễ và trang trọng, nhằm nhắc nhở con cháu không quên cội nguồn dân tộc.

Chủ tế thực hiện nghi lễ cúng tại đình làng trong lễ Khai hạ.
Chủ tế thực hiện nghi lễ cúng tại đình làng trong lễ Khai hạ.

Người Mường quan niệm, sau lễ Chấp ấn vào ngày 25 tháng Chạp, người dân trong làng không được đi đâu xa, cũng không đi rừng, đi rẫy, cho đến khi tổ chức xong lễ động thổ vào ngày lúc 0 giờ ngày mùng 7 tháng Giêng thì các hoạt động của một năm lao động sản xuất mới thực sự được bắt đầu. Chính vì vậy lễ Khai hạ của người Mường còn được gọi là lễ Hạ nêu hay lễ Mở cửa rừng, đây cũng là một nghi lễ quan trọng nhất trong năm. Lễ Khai hạ được bắt đầu bằng hồi trống báo hiệu cho con cháu tụ họp về sân đình. Các lễ vật cúng cũng được chuẩn bị công phu và đậm truyền thống, trong đó không được thiếu xôi và thịt heo. Trong tín ngưỡng của người Mường những lễ vật dâng cúng phải là do chính bàn tay bà con trong làng nuôi trồng được, như thế mới thể hiện được tấm lòng thành đến các vị thần linh, cho nên lần lượt mỗi năm chủ tế sẽ phân công cho các gia đình chịu trách nhiệm nuôi, trồng và chuẩn bị các lễ vật trong lễ Khai hạ.

Khi lễ vật được chuẩn bị đầy đủ, chủ tế thay mặt bà con trong làng tiến hành nghi lễ cúng. Tiếng cồng vang lên rộn rã, chủ tế quỳ trước gian chính đình làng đọc lời khấn với ngụ ý: “Hôm nay ngày lành, tháng tốt, làng Cao Thắng làm lễ Khai hạ, mời Thành hoàng và các ông bà, tổ tiên về ăn cơm, vui hội cùng dân làng. Cầu xin hãy phù hộ cho con cháu được bình yên, khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi, tiễn đưa cái cũ, chào đón năm mới được thuận buồm, xuôi gió...".

Trò chơi dân gian leo cột mỡ diễn ra tại lễ Khai hạ.
Trò chơi dân gian leo cột mỡ diễn ra tại lễ Khai hạ.

Kết thúc phần lễ là nghi thức hạ cây nêu với niềm tin vào một năm mới tốt đẹp, nhiều may mắn. Sau phần nghi lễ trang trọng, bà con bước vào phần hội với các trò chơi dân gian truyền thống như: nhảy bao bố, leo cột mỡ, đập heo đất, qua cầu kiều... thu hút nhiều người tham gia. Bà Bùi Thị Luyến (thôn Cao Thắng) tâm sự: “Là người con dân tộc Mường, mỗi khi đến dịp này chúng tôi lại tự phân chia nhau chuẩn bị chu đáo cả phần lễ, phần hội, mỗi người một công việc, tuy bận rộn nhưng rất hạnh phúc”.

Lễ Khai hạ của người Mường nói chung và của người dân thôn Cao Thắng nói riêng là một nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo và ấn tượng. Mỗi người tham dự đều cảm nhận đây chính là dịp để đồng bào Mường giao lưu, gặp gỡ, gạt bỏ những lo toan vất vả trong cuộc sống thường nhật, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Hơn thế, lễ hội còn là dịp thu hút du khách muôn phương về vui hội và tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc thể hiện qua tín ngưỡng, ẩm thực, trò chơi… diễn ra tại đây.

Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.