Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo nhà trình tường vùng Tây Bắc

15:33, 16/12/2017

Nhà trình tường là một trong những kiến trúc độc đáo của đồng bào vùng cao miền Tây Bắc. Đến những bản làng cao vắt vẻo trên những cổng trời, chiêm ngưỡng những ngôi nhà đất vững chãi giữa bảng lảng mây trời du khách sẽ thấy vô cùng khâm phục bàn tay, khối óc của người dân nơi đây…

Không phải dân tộc nào ở Tây Bắc cũng làm nhà trình tường, chỉ có dân tộc Mông, Hà Nhì - những dân tộc có tập quán sinh sống, trú ngụ ở nơi rẻo cao, quanh năm giá lạnh mới xây dựng nhà trình tường. Những vùng đất như Đồng Văn (Hà Giang), Si Ma Cai, Y Tý (Lào Cai), Mường Tè (Lai Châu)… - những nơi có nhiều người Mông, Hà Nhì sinh sống từ lâu đời – là xứ sở của những ngôi nhà trình tường cổ, độc đáo.

Nhà trình tường vùng Tây Bắc.
Nhà trình tường vùng Tây Bắc.

Sống ở nơi hoang vu, đường đi khó khăn, thú dữ nhiều, khí hậu khắc nghiệt, người Mông, người Hà Nhì tạo ra những ngôi nhà đất vững chãi, kiên cố để có thể trụ vững được nơi những mỏm núi tựa như đỉnh trời. Ở nhà trình tường, mùa đông thì tránh được rét mướt, mùa hè tránh được nắng nóng. Để làm được nhà trình tường, khâu chọn đất khá quan trọng. Người Mông và người Hà Nhì vùng Tây Bắc thường chọn bãi đất bằng phẳng hoặc thoai thoải theo triền núi để dựng nhà; hướng nhà phải nhìn xuống dốc núi, trông ra khoảng không thoáng đãng, rộng mở bởi theo quan niệm của đồng bào, với hướng nhà như thế, con người và vạn vật mới sinh sôi nảy nở, tầm nhìn mới khoáng đạt. Sau khi chọn được ngày lành tháng tốt, chủ nhà làm lễ cúng thần linh rồi mới khởi công. Cúng xong, chủ nhà rắc ba hạt thóc hoặc hạt ngô (tùy từng dân tộc) xuống nền với mong muốn sinh sôi nảy nở.

Công việc tạo nền móng cho nhà trình tường khá công phu. Người ta dùng khuôn gỗ dài 1,5 m, rộng 0,45 - 0,5 m để bao xung quanh, sau dùng đất nạc, mịn, vàng,  không có rác rưởi, đá, cỏ cây lẫn vào để lèn xuống nền móng. Trong khi tạo nền, người ta dùng những chiếc vồ gỗ to để nhồi và đầm cho đất quyện chặt vào nhau tạo thành một thớ đất vững chắc. Khi làm nhà, chủ nhà thường mượn thợ là trai tráng khỏe mạnh thì công việc mới hiệu quả. Nền móng xong, chờ cho cứng chắc, người ta tiếp tục làm tường bằng cách dùng khuôn gỗ nẹp đất hai bên, đổ đất đến đâu, người ta lại dùng vồ, chày nện cho tường quyện dính đến đó. Thông thường, tường nhà trình tường dày từ 80 - 100 cm.

Nhà trình tường mang vẻ đẹp hiên ngang, vững chãi tựa như tính cách, lối sống của người Mông, người Hà Nhì vùng Tây Bắc; là biểu tượng cho ý chí, sức sống và sức mạnh chế ngự thiên nhiên của đồng bào nơi sơn thẳm. 

Sau khi nhà đã hoàn thành xong nền và tường, chủ nhà vào rừng chọn những cây gỗ thẳng, tươi tốt về làm kèo, làm mái và cửa nhà. Phần mái nhà được lợp bằng ngói vảy, sau này lợp bằng tôn brô xi măng rất vững chắc. Cửa chính của ngôi nhà được làm bằng gỗ, là loại gỗ tốt nhất. Không gian bên trong được bài trí hài hòa từ bàn thờ, giường ngủ và nơi sinh hoạt hằng ngày. Xung quanh ngôi nhà, có nơi người Mông thường lượm những tảng đá xếp thành hàng rào đá vừa đẹp, vừa tôn thêm dáng vẻ bền vững cho ngôi nhà. Người Hà Nhì thường lấy củi chất quanh nhà tạo nên sự kín đáo của nhà ở của mình.

Đứng trên mỏm núi, phóng tầm mắt xuống những bản làng Hà Nhì, bản Mông, những ngôi nhà trình tường hiện lên tuyệt đẹp, tựa như những cây nấm đang hướng lên trời xanh, tạo nên vẻ ấm áp giữa đại ngàn xanh thẳm.

Không gian bản làng nhà trình tường là một nơi dừng chân lý tưởng của du khách. Thoáng mát, tĩnh lặng, yên bình đến hoang sơ. Cảnh sắc xung quanh những ngôi nhà mùa nào cũng đẹp thơ mộng, cũng rạo rực sức sống.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.