Multimedia Đọc Báo in

Chọn nghề phù hợp

08:46, 10/06/2022

Học sinh lớp 9 và 12 đang trong giai đoạn cao điểm chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp, đứng trước lựa chọn hướng đi, nghề nghiệp của mình trong tương lai.

Sự phân luồng giáo dục theo các tổ hợp môn (học sinh THPT) và phân định rõ ngành nghề trong chương trình đào tạo cao đẳng, đại học đã vạch ra những hướng đi tách biệt, góp phần định hình, bồi đắp khả năng của học sinh, giúp các em có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực, ngành nghề.

Cùng với đó, hệ thống giáo dục Việt Nam còn có mô hình 9+ vừa học văn hóa, vừa học nghề để sau khi hoàn thành chương trình học các em có bằng nghề và bằng THPT. Sự đa dạng trong định hướng nghề nghiệp đã giúp phụ huynh, học sinh có thêm nhiều lựa chọn phù hợp cho con em mình. Tuy nhiên điều này cũng vô tình trở thành "ma trận" đối với nhiều gia đình, học sinh.

Những năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực trong phát triển giáo dục, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội và đặc thù về địa hình nên giáo dục đại trà có những sự khác biệt, chênh lệch giữa các trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn với khu vực trung tâm, thành phố; giữa gia đình khá giả, quan tâm nhiều đến việc học tập của con em mình và những gia đình điều kiện kinh tế khó khăn, chưa quan tâm nhiều đến việc học tập của con cái. Do đó, việc định hướng giáo dục và hướng nghiệp là vấn đề quan trọng, cần thực hiện tốt để phân luồng giáo dục, hướng tới phân luồng nghề nghiệp, bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội sau này.

1
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn tham gia chương trình "Tham quan, trải nghiệm thực tế và tư vấn hướng nghiệp" tại Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thao Trương

Theo phản ánh của nhiều đơn vị giáo dục, vì không có khả năng và sở thích học tập nên một số học sinh chỉ đến trường, tham gia các hoạt động giáo dục một cách “nhàm chán”, không thể tiếp thu bài học. Điều này không chỉ làm mất thời gian, gây sức ép nặng nề cho chính học sinh đó mà còn ảnh hưởng đến môi trường học tập của các học sinh khác cùng lớp, gây áp lực lên giáo viên. Còn đối với học sinh lớp 12, nếu quyết định chọn ngành nghề sai thì sẽ gây lãng phí về nhiều mặt. Bản thân các em phải mất 3 - 4 năm để học tại trường đại học, cao đẳng với chương trình không phù hợp với sở thích nên học tập không hiệu quả, khi ra trường không đủ năng lực để làm nghề mình đã học, buộc phải làm trái nghề…

Có nhiều lý do dẫn đến việc chọn ngành nghề chưa đúng. Đơn cử như chưa hiểu rõ bản thân mình có khả năng gì, thích ngành gì hay chọn ngành nghề vì gia đình mong muốn mình học nghề đó, theo bạn bè, vì nhiều người chọn… Những năm gần đây, tình trạng sinh viên ra trường làm trái ngành, nghề mình đã học hay bỏ học, bỏ việc giữa chừng để chuyển sang một ngành nghề mới khá phổ biến. Thậm chí, có những người đã đi làm cả chục năm với mức thu nhập khá nhưng vẫn quyết định bỏ ngang để chuyển sang một công việc mới hoàn toàn đối với bản thân vì nhiều lý do khác nhau. Và thực tế cho thấy, làm công việc mình thích, phù hợp với khả năng sẽ đem đến niềm đam mê, hứng khởi mỗi ngày, góp phần đem đến cuộc sống hạnh phúc cho mỗi người, gia đình và cả xã hội.

Vì vậy, việc hướng nghiệp cho các em cần được quan tâm hơn nữa, không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng cần có sự tìm hiểu thông tin kỹ càng, xác định chọn nghề cần phải phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, khả năng và năng lực của chính bản thân học sinh...

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.