Những phát minh độc đáo, tiện ích trong cuộc sống hiện đại
Xe ô tô năng lượng mặt trời, không cần bằng lái
Để sớm đạt mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0), hãng Squad Mobility (SM) của Hà Lan vừa cho ra đời mẫu xe mini - loại xe kết hợp giữa xe mô tô và ô tô bằng năng lượng mặt trời (NLMT) và là bản thể xe đầu tiên trên thế giới kiểu này. Đặc biệt là người sử dụng không cần bằng lái vẫn có thể sử dụng được phương tiện. Xe có tên Squad Solar City Car (SSCC), dài 2 m, rộng 1,2 m và cao 1,6 m, có cấu hình gọn nhẹ, hợp với mục tiêu sử dụng cá nhân trong các đô thị đông đúc.
Xe kết hợp giữa xe mô tô và ô tô bằng năng lượng mặt trời. |
SSCC được trang bị 2 mô tơ 2 kW đặt trong bánh sau và 4 bộ pin 1,6 kWh, cung cấp phạm vi hoạt động lên đến 100 km trong một lần sạc. Xe có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 45 km/h nhờ tấm pin mặt trời lắp trên nóc, có thể tăng thêm 20 km phạm vi hoạt động mỗi ngày nếu nhiều nắng vào mùa hè. Bên cạnh đó, xe cũng đi kèm với tính năng phanh tái tạo và sạc điện 220V. Riêng pin mang tính di động và linh hoạt, dễ thay thế và bảo dưỡng. Ngoài ra, SSCC còn là dòng xe an toàn, nhờ khung dầm chống lật hiệu quả và cấu trúc chống va chạm ở cả phía trước lẫn phía sau.
Xe có giá bán khởi điểm từ 6.250 Euro (khoảng 153 triệu đồng) đến 9.300 Euro (227 triệu đồng) với đủ tính năng như tiện ích như “cửa tùy chọn”, “điều hòa không khí tùy chọn” và “pin bổ sung tùy chọn”...
Chỉnh sửa gen trị lo âu và nghiện rượu ở tuổi vị thành niên
Đại học Illinois Chicago (UIC) Mỹ vừa công bố nghiên cứu về chỉnh sửa gen não để điều trị hai chứng bệnh nan y là rối loạn lo âu và nghiện rượu ở tuổi vị thành niên.
Theo Subhash Pandey, tác giả nghiên cứu chính, nhóm của ông đã sử dụng công cụ chỉnh sửa gen CRISPR-dCas9 để điều khiển quá trình acetyl hóa và methyl hóa histone ở gen Arc trong mô hình chuột trưởng thành. Các quá trình này làm kích hoạt gen "cài đặt lại nhà máy" của não bộ để đưa nó về hoạt động bình thường. Quy trình sửa gen a CRISPR-dCas9 gồm 3 bước chính nhằm chèn đoạn ADN mới thay cho đoạn lỗi đã được loại bỏ.
Sự lo lắng được đo lường thông qua thử nghiệm hành vi, ghi lại hoạt động khám phá của những con chuột được đặt trong các thử nghiệm mê cung, và sự ưa thích đối với rượu được đo bằng cách theo dõi lượng chất lỏng tiêu thụ khi những con chuột được cho chọn hai chai bao gồm các tùy chọn như nước máy, nước đường và các nồng độ cồn khác nhau (3%, 7% và 9%). Hy vọng, nghiên cứu vào một ngày nào đó sẽ trở thành liệu pháp hiệu quả giảm tác hại từ chứng nghiện rượu ở tuổi vị thành niên.
Kính thông minh chữa được cả cận lẫn viễn thị
Công ty kính mắt Nhật Bản Vixion vừa trình làng một loại kính thuốc đầy sáng tạo, có tên MWF, có thể điều chỉnh tiêu điểm thấu kính, phù hợp cho cả người cận thị lẫn viễn thị - căn bệnh thường gặp ở nhóm người trung cao niên, khó nhìn rõ vật thể ở gần lẫn ở xa.
Theo Vixion, thông thường người ta phải sử dụng hai loại kính, một cho cận và một cho viễn rất bất tiện và MWF có thể giúp giải quyết những rắc rối này.
Về cơ bản, nguyên lý hoạt động của MWF là dựa trên cảm biến tích hợp có thể tự điều chỉnh tiêu điểm các thấu kính phù hợp với những gì người đeo đang quan sát, giúp họ nhìn rõ các vật thể ở hầu hết mọi khoảng cách. Khi dùng lần đầu, người sử dụng phải xoay một mặt số được tích hợp trên gọng. Sau khi hoàn tất, bất cứ khi nào người đeo thay đổi hướng nhìn, kính có thể tự biết họ đang nhìn gì và điều chỉnh tiêu điểm của thấu kính cho phù hợp, giúp mọi thứ rõ ràng hơn dù ở gần hay ở xa.
Tuy nhiên, phải một thời gian nữa Vixion mới có phiên bản thương mại sau khi hoàn thành xong giai đoạn thử nghiệm và xin cấp phép.
Ốc vít thông minh, tự “nói ” khi lỏng lẻo
Trung tâm Nghiên cứu công nghệ nhận thức Fraunhofer, Đức (CCIT) vừa phát triển thành công thế hệ ốc vít thông minh có tên Smart Screw Connection (SSC) có thể tự “lên tiếng”, phát cảnh báo nếu lỏng lẻo, đảm bảo toàn cho các kết cấu hạ tầng quan trọng như cầu đường, hệ thống giao thông hay máy móc, thiết bị.
Theo các chuyên gia CCIT, ốc SSC thực chất là một thiết bị IoT (Internet vạn vật) tự cung cấp năng lượng được tích hợp đầy đủ để xác định phụ tải trước, tất cả dữ liệu được truyền không dây. Nhờ IoT, ốc SSC có thể tự phát đi cảnh báo nếu không còn chặt như lúc mới. Ngoài ra, nó còn được trang bị một lớp phim mỏng chịu lực, tạo ra điện trở khi có tác động vật lý lên. Nếu siết chặt, cảm biến sẽ đo đạc áp lực ở 3 điểm trên ốc. Khi lỏng, áp lực đè lên tấm phim giảm theo khiến điện trở thay đổi, cảm biến sẽ phát nay tín hiệu cảnh báo.
Cấu trúc phần đầu ốc SSC còn chứa một cơ chế phát tín hiệu vô tuyến, có thể truyền dữ liệu không dây MIoTy tới trạm đặt cách với phạm vi phủ sóng truyền dữ liệu lên tới 20 km. Trung bình, một trạm bảo dưỡng có thể theo dõi dữ liệu của 100.000 thiết bị SSC. Mọi dữ liệu đều mang tính mở, có nghĩa bất cứ ai đều có thể truy cập và kiểm tra độ chặt của từng con ốc riêng.
Theo CCIT, ốc thông minh sẽ giảm đáng kể chi phí bảo trì, thời gian, tăng độ an toàn cho thiết bị. Công nghệ sản xuất ốc vít SSC là công nghệ cải tiến thu năng lượng, hay hiệu ứng nhiệt. Nó tạo liên tục ra điện cho ốc hoạt động. Công nghệ hiện đại sẽ giúp giảm thiểu khối lượng công việc của con người, đồng thời đảm bảo tính an toàn và kéo dài tuổi thọ cho công trình.
Nam Nguyễn
(Theo TDI/SDC/FYC/ODC/GC/SDC– 5/2022)
Ý kiến bạn đọc