Để cây vải trở thành cây trồng thế mạnh ở Đắk Lắk
Được đưa vào trồng tại một số địa phương trên địa bàn Đắk Lắk từ nhiều năm qua, cây vải đã chứng tỏ hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống của nhiều hộ nông dân.
Hiệu quả kinh tế cao
Vụ vải thiều năm 2021, do điều kiện thời tiết thuận lợi, năng suất vải Đắk Lắk khá cao. Qua khảo sát sơ bộ tại một số địa phương có diện tích vải lớn như huyện Ea Kar, M’Drắk, Krông Pắc, Krông Ana, Krông Năng, TX. Buôn Hồ..., năng suất vải bình quân đạt gần 13 tấn/ha, tăng 28% so với năm 2020; cá biệt có vườn vải năng suất đạt đến 20 tấn/ha.
Với giá bình quân bán tại vườn là 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí (25% so với tổng doanh thu), người trồng vải lãi thuần bình quân từ 300 - 400 triệu đồng trên mỗi héc-ta. Ưu thế chín sớm hơn khoảng một tháng của vải Đắk Lắk so với vụ thu hoạch vải thiều ở các tỉnh phía Bắc, cùng với chất lượng vải ngon ngọt, phù hợp khẩu vị của khách hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra sản phẩm trong thời gian qua. Giống vải mà nông dân sản xuất nhiều tại địa phương gồm: U Hồng, U Trứng, Bình Khê, Phúc Hòa, thiều U Cẩm Hoàng…
Hiện nay, một số địa phương đã xây dựng được những vùng có diện tích vải đáp ứng quy trình VietGAP và đã được chứng nhận, bước đầu tạo điều kiện cho nông dân liên kết đầu ra tốt hơn, như Tổ hợp tác sản xuất vải hàng hóa Ea Sar (huyện Ea Kar); Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Thanh niên Ea Dăh (huyện Krông Năng); Tổ hợp tác vải Ea Na (huyện Krông Ana)…
Chứng nhận VietGAP là điều kiện để sản phẩm vải Đắk Lắk được nhiều khách hàng biết đến, cạnh tranh giá trị trên thị trường trong nước và vươn xa hơn nữa. Khi được chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, hy vọng trái vải Đắk Lắk có thể xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Cán bộ Hội Nông dân tỉnh khảo sát một vườn vải trên địa bàn tỉnh. |
Để cây vải phát triển bền vững
Mặc dù có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với một số loại cây ăn quả tại địa phương nhưng diện tích vải thời gian qua vẫn phát triển rất chậm.
Khó khăn đầu tiên khiến diện tích cây vải chưa phát triển là do đặc tính sinh thái của cây vải cần những điều kiện thuận lợi về thời tiết khô, lạnh trong thời kỳ phân hóa mầm hoa vải (ngừng nghỉ sinh trưởng sinh dưỡng) rơi vào tháng 12 đến tháng 1 năm sau.
Sau hơn 15 năm cây vải có mặt tại Đắk Lắk, diện tích vải toàn tỉnh mới chỉ có 1.313 ha, chiếm 3,6% tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn. |
Bên cạnh đó, cây vải rất cần nước vào thời kỳ trổ hoa đến nuôi trái, mà giai đoạn ra hoa rơi vào mùa khô của Tây Nguyên, nếu thiếu nước giai đoạn này sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng vải. Ngoài điều kiện tự nhiên thì việc tác động các biện pháp kỹ thuật trong điều tiết sinh trưởng và phát triển của cây vải tại Đắk Lắk hết sức quan trọng.
Nhất là vấn đề khoanh vỏ cây vải để cắt dòng Cytokinin được tạo ra trong ngọn rễ, vận chuyển lên thân, cành để hạn chế kích thích phân chia tế bào, đặc biệt là sự phân hóa chồi, cây vải tập trung phân hóa mầm hoa. Nếu không nắm được kỹ thuật, khoanh vỏ sẽ không hiệu quả, thậm chí làm chết cây.
Vấn đề nhân giống vải cũng là một yếu tố cần quan tâm, hiện nay bà con trồng vải trên địa bàn tỉnh chủ yếu sử dụng biện pháp chiết cây để giữ được những đặc tính tốt của cây mẹ. Tuy nhiên, biện pháp này có hệ số nhân giống thấp, bộ rễ của giống cây vải chiết từ cành ăn nông, nên không thuận lợi trong mùa gió ở Đắk Lắk, cũng như cây khó khai thác nước và dinh dưỡng ở tầng thấp. Trong khi đó, thị trường giống cây vải phần lớn chưa được chứng nhận của các cơ quan chức năng nên nông dân không đủ niềm tin để mở rộng phát triển sản xuất.
Thiết nghĩ, để phát triển nhân rộng diện tích loại cây này, cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, tổ chức khảo sát, đánh giá sự thích nghi của cây vải với điều kiện tự nhiên của từng vùng tiểu khí hậu, đất đai, nguồn nước phù hợp.
Xây dựng quy hoạch cụ thể từng địa phương, từng khu vực để người sản xuất mạnh dạn đầu tư vào phát triển cây vải.
Cần khẩn trương đào tạo được nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về ứng dụng công nghệ cao (đặc biệt là công nghệ sinh học) để trực tiếp hỗ trợ người sản xuất về kỹ thuật tác động như: Quy trình phân bón, cách bón phân cho cây vải; kỹ thuật khoanh vỏ; ứng dụng công nghệ thông minh vào hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước nhằm cung cấp nước và dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu sinh lý của cây vải qua từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện thiếu nước trong mùa khô Tây Nguyên.
Quản lý tốt và hướng dẫn cụ thể về hoạt động sản xuất và phân phối giống cây vải chất lượng cho người trồng. Tổ chức đánh giá và hỗ trợ nông dân trong việc cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP… để thuận lợi cho người sản xuất liên kết tìm đầu ra.
Cẩm Lai
Ý kiến bạn đọc