Bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, những yêu cầu về giãn cách, hạn chế tiếp xúc khiến người tiêu dùng quan tâm hơn đến mua sắm online. Hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh. Sự gia tăng các loại hình giao dịch thương mại điện tử mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, song cũng đi kèm với nhiều rủi ro.
Nhiều người đã quen dần và thích nghi với cách thức mua bán hàng trực tuyến; đồng thời cũng hình thành những thói quen để tự bảo vệ mình, thận trọng hơn trong các giao dịch hàng hóa. Chị Tạ Thị My (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, mua sắm qua mạng tiện lợi, nhanh chóng nhưng cũng dễ rơi vào trạng thái chi tiêu “quá tay”, mua những thứ không thật sự cần thiết với nhu cầu của bản thân, gia đình, nhất là mặt hàng có khuyến mãi, giảm giá. Do đó, chị luôn dặn mình phải “tỉnh táo”, chỉ mua khi thật sự cần và luôn ý thức phải tiết kiệm chi tiêu giữa thời điểm dịch bệnh.
Một người tiêu dùng ở TP. Buôn Ma Thuột đặt mua hàng online. |
Tuy nhiên, oái ăm nhất vẫn là tình trạng người tiêu dùng đối mặt với những vi phạm lợi ích khi mua hàng qua mạng. Mới đây chị Phạm Thị Ngân (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đặt mua chiếc áo khoác qua mạng với giá gần 500.000 đồng song khi nhận được hàng, chị "tá hỏa" bởi sản phẩm không giống như hình ảnh quảng cáo. Chị liên lạc với bên bán để trả lại hàng nhưng không được đồng ý. Hay như trường hợp của chị Nguyễn Thị Thi (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar) đặt mua lọ nước hoa hiệu Chanel màu hồng được rao bán trên mạng là "hàng xách tay châu Âu", giá 1,2 triệu đồng, đã giảm 35% vì cửa hàng kinh doanh xả hàng nghỉ bán do dịch COVID-19. Tưởng mua được hàng rẻ, ngờ đâu khi nhận hàng, chị phát hiện ra sản phẩm này không giống như loại mà chị vẫn thường dùng. Do mua bán không có hóa đơn nên chị không thể khiếu nại.
Những sự cố mà người tiêu dùng địa phương gặp phải khi giao dịch thương mại điện tử cũng là các phản ánh, khiếu nại về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng mà Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) thường xuyên nhận được trong thời gian gần đây. Theo Cục này, nổi bật là các vấn đề liên quan đến quảng cáo gian dối, bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; người tiêu dùng không mua được hàng theo giá quảng cáo… Bên cạnh đó là tình trạng người tiêu dùng bị hủy đơn hàng tự động với lý do “người giao hàng không liên hệ được người mua” mà thực tế là không nhận được liên hệ của bên giao hàng…
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh thông tin, thời gian qua, Hội cũng tiếp nhận nhiều phản ánh của người tiêu dùng địa phương liên quan đến tình trạng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa bị lỗi, hàng không như hình ảnh quảng cáo trên mạng… Hiện nay, có tình trạng hàng hóa bán trên các trang mạng xã hội chưa được cấp phép hoặc không có pháp nhân tại Việt Nam nên không xác nhận được thông tin người bán, trong khi đó, người mua không có hóa đơn, chứng từ nên phải chịu thiệt về mình.
Cán bộ Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk kiểm tra việc chấp hành các quy định trong kinh doanh hàng hóa tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Để tránh tình trạng này, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, tự trang bị những kiến thức cơ bản khi mua sắm trên mạng. Cụ thể, nên tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn những trang bán hàng có uy tín, đã đăng ký bán hàng qua mạng với Bộ Công thương; yêu cầu được kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; quá trình mua bán cần có hóa đơn, chứng từ… Chính sự thay đổi về hành vi mua sắm của người tiêu dùng sẽ buộc doanh nghiệp sản xuất, cung ứng chỉn chu và có trách nhiệm hơn với hàng hóa, sản phẩm do mình làm ra. Đây cũng là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển kinh doanh dựa trên nền tảng số.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng lưu ý người tiêu dùng cần bảo vệ thông tin cá nhân khi giao dịch trực tuyến; khuyến khích người tiêu dùng chia sẻ, phản ánh, khiếu nại nếu quyền lợi bị vi phạm để chung tay bảo vệ cộng đồng.
Cục Quản lý thị trường tỉnh đang lên kế hoạch kiểm soát thị trường hàng hóa, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp đến. Trong đó, chú trọng kiểm tra tại các cửa hàng kinh doanh cố định và cả trên không gian mạng. Tổ thương mại điện tử thuộc Cục sẽ tăng cường theo dõi, nắm bắt thông tin, phát hiện những dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh trên môi trường mạng.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc