Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nội đồng

08:38, 06/01/2022

Nhờ kênh mương và đường giao thông nội đồng được xây dựng kiên cố nên 2 năm nay việc gieo cấy, chăm sóc lúa nước, vận chuyển nông sản của nông dân các xã Ea Wy, Cư Mốt (huyện Ea H'leo) thuận lợi hơn trước rất nhiều.

Ea Wy và Cư Mốt là những địa phương có diện tích lúa nước lớn, sản xuất được cả 2 vụ/năm. Trong đó, xã Ea Wy có 202 ha, xã Cư Mốt 180 ha. Nhờ trồng lúa nước, nông dân Ea Wy, Cư Mốt không chỉ tự cung tự cấp được nguồn lương thực tại chỗ mà còn có dư mang bán hoặc làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Từ năm 2018 trở về trước, việc sản xuất lúa nước của người dân ở hai xã nói trên gặp khá nhiều khó khăn vì chưa có hệ thống kênh mương nội đồng. Do địa hình phức tạp nên khó khăn nhất là công đoạn dẫn nước vào từng thửa ruộng để làm đất trước khi gieo sạ hoặc tiêu thoát nước khi có mưa lũ dài ngày. Nhiều người phải thức đêm hôm, luân phiên chờ chực, mất nhiều thời gian, công sức mới dẫn nước về ruộng để cày bừa.

Tháng 2/2018, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, Ban Quản lý Dự án huyện Ea H’leo cùng chính quyền địa phương đã đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng tuyến kênh mương dài 1.536 m, rộng 0,4 m kết hợp với đường giao thông nội đồng bằng bê tông (mặt đường rộng 3 m, dày 30 cm) từ hạ lưu đập A6 về đến các thôn 1, 2 và 3, xã Ea Wy.

Kênh mương kết hợp với đường giao thông nội đồng ở xã Ea Wy được kiên cố hóa. 

Khi kênh mương nội đồng được kiên cố, việc dẫn nước tưới tiêu cho ruộng nương của bà con nông dân thuận lợi hơn rất nhiều. Bà Nông Thị Hành (ở thôn 3, xã Ea Wy) phấn khởi: “Trước đây, do không có kênh mương nội đồng, vào vụ đông xuân nhiều thửa ruộng ở dưới đập A6 thường thiếu nước. Chúng tôi phải dùng cuốc, xẻng đi vét mương, dùng máy bơm mini để đưa nước vào ruộng cứu lúa. Có những chân ruộng không đủ nước sản xuất vụ hai nên phải bỏ hoang. Khi có kênh mương dẫn nước vào ruộng, kết hợp đường giao thông nội đồng liên hoàn chạy giữa cánh đồng A6, vụ đông xuân năm 2019 - 2020 và niên vụ 2021 - 2022, toàn bộ diện tích gieo cấy đều đủ nước tưới, cây lúa phát triển tốt. Nhờ có đường giao thông nội đồng, chúng tôi dùng xe máy, xe công nông chở lúa về tận nhà, đưa phân bón, vật tư ra tận ruộng rất thuận lợi, không còn phải khiêng vác, gánh gồng nặng nhọc, vất vả như trước kia”.

Tại xã Cư Mốt, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sau khi 87 hộ dân tự nguyện hiến 1.200 m2 đất ruộng, bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, từ tháng 4 đến tháng 11/2019, tại các cánh đồng Cây Sung và Phước Vân, Phòng NN-PTNT huyện Ea H’leo cùng chính quyền địa phương đã thi công xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng 2 tuyến kênh mương nội đồng bằng bê tông cốt thép. Trong đó, tuyến kênh Phước Vân dài 158 m, rộng 0,4 m, kinh phí đầu tư 545 triệu đồng; kênh Cây Sung dài toàn tuyến hơn 188 m, rộng 0,5 m, kinh phí xây dựng 790 triệu đồng.

Kênh mương trên cánh đồng Phước Vân, Cây Sung (xã Cư Mốt) được đổ bê tông kiên cố.

Nhờ kiên cố hóa kênh mương nội đồng, hơn 2 năm nay, 180 ha lúa ở cánh đồng Phước Vân, Cây Sung không còn tình trạng đầu trên thì nước chảy tràn bờ, nhưng ruộng dưới thì khô ran, không đủ nước để làm cỏ, bón phân. Nhờ nước tưới thuận lợi, nông dân từ chỗ phụ thuộc vào yếu tố thời tiết thì nay đã chủ động làm đất, gieo sạ, chăm sóc cây lúa. Ông Huỳnh Trọng Văn, Chủ tịch UBND xã Cư Mốt cho biết, từ khi xây dựng hoàn chỉnh 2 tuyến kênh mương nội đồng ở khu vực Phước Vân, Cây Sung, việc tưới tiêu rất thuận lợi. Nguồn nước chủ động, việc chăm sóc lúa đỡ vất vả hơn. Năng suất lúa cũng tăng cao hơn so với trước kia từ 1,7 - 2 tạ/sào.

Ngọc Tài


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.