Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình xen canh

08:18, 11/01/2022

Trồng xen các loại cây ăn quả trong vườn cà phê đang là lựa chọn của nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh. Nhằm hỗ trợ người dân có được vườn cây trồng xen mang lại hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tỉnh đã triển khai Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên” (gọi tắt là dự án).

Để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, phần lớn nông dân đã thực hiện trồng xen nhiều loại cây ăn quả trong vườn cà phê. Tuy nhiên, bà con chủ yếu trồng theo sở thích và kinh nghiệm mà chưa áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật (KHKT) nên nhiều vườn cây trồng xen không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, người dân thường trồng xen cây sầu riêng với mật độ rất dày, chủ yếu vào giữa ngã tư của hàng cà phê, bờ rào bao quanh vườn. Khi cây sầu riêng khép tán cần nhiều dinh dưỡng, ánh sáng thì 4 cây cà phê xung quanh dần cho năng suất kém, nhiều trường hợp phải loại bỏ cả 4 cây cà phê.

Vườn trồng xen của gia đình chị H’Đàn Niê (huyện Cư M’gar) phát triển tốt.

Chủ nhiệm dự án, chị Đinh Thị Phương Mai cho biết: “Dự án nhằm hướng dẫn nông dân tham gia trồng xen canh theo đúng kỹ thuật để mang lại hiệu quả cao hơn. Khi tham gia dự án, người dân được hỗ trợ 70% về giống, vật tư, phân bón; tập huấn, hướng dẫn KHKT để áp dụng vào sản xuất, bảo đảm năng suất cà phê đạt trên 3 tấn nhân/năm, thu nhập tăng 20% so với việc trồng thuần cà phê (sau khi cây ăn quả cho thu hoạch)”. Hiện, dự án chọn 2 loại cây ăn quả để trồng xen vào vườn cà phê là bơ (giống bơ Booth, TA01) và sầu riêng (Dona, Ri6) được trồng theo đúng quy trình trồng xen của Bộ NN-PTNT (Quyết định số 3702/QĐ-BNN-TT, ngày 24/9/2018).

Rút kinh nghiệm từ những mô hình trồng xen kém hiệu quả, anh Lê Kiên Cường (thôn Ea K’sô, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo) nhiều năm nay chỉ phát triển trồng thuần 1 ha cà phê. Tháng 8/2019, khi tiếp cận với dự án, anh Cường mạnh dạn nhổ 70 cây cà phê trong 1 ha cà phê kinh doanh để thực hiện trồng xen sầu riêng, bơ theo đúng quy trình kỹ thuật. Anh Cường cho hay, quy trình trồng xen với khoảng cách 12 x 12m, có mật độ 70 cây ăn quả/ha thấp hơn rất nhiều so với các vườn trồng xen của người dân hiện nay. Sau gần 3 năm, cây sầu riêng phát triển tốt, chiều cao trung bình 2,5 - 3 m, đường kính gốc đạt 3,5 - 8 cm. Ngoài được tập huấn, chuyển giao KHKT, cán bộ nông nghiệp địa phương thường xuyên tới vườn kiểm tra, hỗ trợ định hình bộ khung cho cây, tỉa cành, tạo tán... để chuẩn bị bước vào giai đoạn kinh doanh. Riêng cây bơ, bước vào năm thứ 3 sau khi trồng hầu hết đã cho thu hoạch bói. Đặc biệt, vườn cà phê của gia đình anh Cường vẫn cho năng suất cao, đạt 3,8 - 4 tấn/ha.

Gia đình chị H’Đàn Niê (buôn Sút H’Luốt, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) có 1,2 ha cà phê nhưng không hiệu quả. Năm 2018, chị H’Đàn phá bỏ 1 ha cà phê kém năng suất, tiếp tục tái canh. Chị tìm đến các mô hình trồng xen có hiệu quả, học hỏi kinh nghiệm để phát triển tại vườn cà phê của mình. Tháng 8/2019, chị H’Đàn được tham gia vào dự án, chị đã thay thế 70 cây cà phê bằng cây sầu riêng. Trước đây mỗi năm gia đình chị phun thuốc bảo vệ thực vật ít nhất 4 lần/năm, còn hiện nay chỉ sử dụng thuốc 2 lần/năm, hầu hết sử dụng phân vi sinh, vôi bột… Mật độ cây thoáng hơn trước, chị H’Đàn chỉ phát sạch cỏ tại gốc, còn lại chỉ cắt ngắn cỏ nhằm giữ độ ẩm. Từ đó, các loại cây trong vườn trồng xen của chị H’Đàn phát triển tốt, tiết kiệm chi phí hơn so với mọi năm.

Người dân chỉ làm cỏ tại gốc cây và cắt ngắn cỏ ở xung quanh nhằm giữ độ ẩm, nước cho cây.

Nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT mà các mô hình trồng xen của dự án đều phát triển ổn định, các loại cây trồng xen có tỷ lệ sống trên 95%, đã giúp người dân bước đầu tiết kiệm được phân bón, công lao động, thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn duy trì được năng suất cà phê ổn định.

Dự án thực hiện trong 3 năm (2019 - 2021) tại 4 tỉnh Tây Nguyên, gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Lâm Đồng, với 115 ha trồng xen bơ và sầu riêng trong vườn cà phê. Riêng tại Đắk Lắk, dự án xây dựng được 55 ha trồng xen tại các huyện Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Ea H’leo và TX. Buôn Hồ, với 55 hộ tham gia.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.