Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế từ vốn tín dụng ưu đãi

06:10, 24/03/2022

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Kuin hiện có 8 điểm giao dịch cố định tại 8 xã với 270 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, buôn trên địa bàn huyện. Ngoài ra, các đoàn thể như Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên huyện còn nhận ủy thác cho hội viên, đoàn viên vay vốn phát triển kinh tế.

Với 10 chương trình tín dụng ưu đãi, trong năm 2021, tổng dư nợ các chương trình là gần 336 tỷ đồng cho gần 3.000 đối tượng vay vốn.

Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Kuin cho biết, tại tất cả các điểm giao dịch của ngân hàng trên địa bàn đều niêm yết công khai các chính sách liên quan, hướng dẫn quy trình, thủ tục vay vốn, danh sách các hộ vay vốn còn dư nợ, có hòm thư góp ý cho hoạt động của ngân hàng. Qua đó, giúp người dân tiếp cận được với các chính sách, đồng thời hiểu được quyền lợi, trách nhiệm khi vay vốn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý vốn ủy thác cho cán bộ chuyên trách; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, chính quyền cơ sở để có biện pháp với các trường hợp sử dụng vốn vay sai mục đích, chây ì, nợ quá hạn…

Vườn tiêu của gia đình chị Hồ Thị Minh phát triển tốt khi có vốn đầu tư, chăm sóc.

Gia đình chị Hồ Thị Minh (ở thôn 18, xã Ea Ning) có hoàn cảnh rất khó khăn. Cuối năm 2018, Hội LHPN xã đã tín chấp giúp chị được tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn được vay, chị đầu tư chăm sóc 3 sào hồ tiêu, nuôi 2 con heo nái và gần 100 con gà thịt. Nhờ chịu khó chăm sóc, vườn cây và đàn vật nuôi của gia đình chị phát triển, sinh trưởng tốt. Gia đình chị đã thoát nghèo vào cuối năm 2021.

Hay như gia đình bà Lê Thị Chất (ở thôn 16, xã Ea Ktur), chồng mất sớm, một mình bà vất vả nuôi bốn người con ăn học, hoàn cảnh rất khó khăn. Năm 2016, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng, bà đầu tư chuồng trại nuôi 3 con bò, 200 con gà thả vườn và chăm sóc 5 sào cà phê. Sau 3 năm sử dụng nguồn vốn hợp lý, bà đã thoát nghèo và trả hết nợ. Để đảm bảo cho hai con tiếp tục học đại học, năm 2020 bà quyết định vay 36 triệu đồng nguồn vốn học sinh – sinh viên từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nuôi con ăn học. Đến nay các con của bà đã ra trường và có việc làm ổn định.

Mỹ Hằng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.