Nỗi lo thiếu hụt nhân lực sản xuất
Dù chưa có một điều tra xã hội học đầy đủ về hiện trạng nhân lực, TP. Buôn Ma Thuột hiện nay vẫn đang phải đối mặt nỗi lo sẽ thiếu hụt nhân lực sản xuất khi đô thị này đang tái diễn một số biểu hiện tiêu cực về hành vi lao động. Các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp điều chỉnh lại vấn đề này.
Vấn đề được đặt ra khi một số doanh nghiệp sản xuất đang hoạt động ở Cụm công nghiệp Tân An (Buôn Ma Thuột) phản ánh việc tuyển dụng công nhân cho các kế hoạch sản xuất mới không đạt được kết quả như kỳ vọng. Nhóm nhân lực đã qua đào tạo nghề trở nên khan hiếm, trong khi lao động tự do, nhàn rỗi từ vùng nông thôn phụ cận lại có hiệu suất làm việc kém hơn, không đủ điều kiện để doanh nghiệp tiếp nhận hợp đồng dài hạn.
Ông Q.T., phụ trách tuyển dụng của một doanh nghiệp vật liệu xây dựng chia sẻ, việc tìm kiếm một lao động có tay nghề, như đứng máy dập gạch không nung tự nhiên hóa khó khăn khi dòng người tìm việc sau dịch bệnh giảm hẳn.
Lý do đơn giản là TP. Buôn Ma Thuột đang xuất hiện hai trào lưu “lao động dịch vụ”, là môi giới bất động sản, và… tìm việc làm đơn giản hơn. Đây cũng là vấn đề mà các đô thị lớn như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh đang đối mặt, nhưng với một đô thị gắn với hoạt động thương mại nông nghiệp và dịch vụ nông sản như Buôn Ma Thuột, áp lực lao động sản xuất càng nặng nề hơn.
“Bất động sản đang nóng lên, tạo những cơ hội mới và cũng là những thông tin xáo trộn mới, khiến lao động trong ngành sản xuất biến động nhiều. Cũng không chỉ có mảng lao động này đâu, mà dường như 8 tháng qua, Buôn Ma Thuột đối diện câu chuyện nhà nhà bán đất, người người "cò" đất. Vậy thì làm sao có thể thuyết phục được các lao động trẻ bám công xưởng nhà máy?”, ông Q.T. nói.
Góc nhìn này cũng được chính Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk nhìn nhận như là một nguy cơ cho địa phương, khi các lao động trẻ muốn tìm cơ hội từ quan hệ mua bán đất đai, môi giới địa ốc để “làm một ngày ăn vài tháng”. Lối suy nghĩ này đang lan tỏa trong cộng đồng xã hội, vừa tăng áp lực cạnh tranh trong chính ngành nghề môi giới địa phương, rối loạn thị trường, phức tạp hóa các quan hệ đầu tư địa ốc, vừa ảnh hưởng làm sao nhãng chính thị trường lao động sản xuất, vốn dĩ là điều kiện tất yếu để vùng đất cao nguyên giữ vững những lợi thế hàng hóa nông sản, thương mại xuất khẩu của mình.
Bên cạnh bất động sản, dịch vụ gia tăng trong đô thị cũng bùng nổ, qua đó tạo nên dòng chảy mới về lao động. Quan niệm “việc nhẹ lương cao” đã phổ biến, nhất là ở mảng dịch vụ giao nhận hàng hóa, thực phẩm, vận chuyển khách cá nhân… Rất nhiều lao động trẻ đang làm việc ở các công xưởng, nhà máy, đơn vị doanh nghiệp nhỏ từ chỗ làm quen với các dịch vụ này đã chuyển hẳn sang coi đó là hoạt động tạo thu nhập chính.
Không ít bạn trẻ so sánh, làm công nhân tuân thủ các yêu cầu sản xuất công nghiệp chỉ có lương từ 6 – 7 triệu đồng/tháng, trong khi chạy xe máy công nghệ hay giao hàng thực phẩm, thu nhập mỗi ngày tầm 300 nghìn đồng, tổng thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng mà lại nhàn nhã, rõ ràng có sự sai khác lớn.
Do đó, giờ đây, hằng ngày chỉ cần đi qua các quán ăn, nhà hàng đông khách tầm trưa, người ta sẽ thấy hàng dài lao động mặc đồng phục xanh hay vàng của dịch vụ ứng dụng công nghệ. Trong khi đó, thông báo tuyển dụng của nhiều cơ sở sản xuất đã đưa lên nhiều tuần lễ vẫn thưa thớt lao động nộp hồ sơ.
Các doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng lao động tại Phiên giao dịch việc làm đầu năm 2022 do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk tổ chức. Ảnh: Lan Anh |
Anh Đặng Văn Huy, chủ doanh nghiệp kinh doanh cà phê Đặng Farm (TP. Buôn Ma Thuột) nhận xét, đã đến lúc các cơ quan chức năng quản lý về lao động, và đào tạo lao động cần có những động thái thay đổi, khích lệ nhận thức người lao động và hỗ trợ các doanh nghiệp về vấn đề tuyển dụng lao động đã có tay nghề. Cần có tác động thay đổi nhận thức nhất thời, “ăn xổi” trong cộng đồng xã hội về các hoạt động dịch vụ “bề nổi”, không yêu cầu kỹ năng và kinh nghiệm làm việc.
Những lao động trẻ cần hiểu thấu vấn đề, dịch vụ đô thị phát triển là cần thiết, nhưng phải có sự điều tiết hợp lý. Một bạn trẻ đã qua đào tạo nghề, học đại học cần tập trung rèn luyện chuyên môn, phát triển nghề nghiệp đúng hướng chứ không nên chỉ chạy theo thu nhập thời vụ, tự đánh mất đi kỹ năng, kiến thức; đến khi có cơ hội việc làm đường hoàng mới nhận ra mình đã lỡ sai lầm, hối hận cũng đã muộn màng.
Điều đáng nói với riêng thị trường lao động tại Buôn Ma Thuột, trong lựa chọn phát triển bền vững, yêu cầu sản xuất hàng hóa, trao đổi dịch vụ, hướng đến ổn định một nền nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng quan hệ thương mại đa chiều vẫn là các tiêu chí quan trọng.
Vùng đất cao nguyên này cần tích lũy cơ hội giá trị thặng dư, gia tăng từ hàng hóa sản xuất, nguyên liệu xuất khẩu với các tiêu chí chất lượng tốt hơn, dịch vụ khép kín hơn, chứ không thể chuyển đổi qua các hướng kinh tế dịch vụ khác. Một khi mảng sản xuất bị xem nhẹ, lợi thế đô thị cao nguyên cũng sẽ không còn nữa.
Cho nên, đô thị Buôn Ma Thuột dù có tiến triển thế nào, hoạt động đầu tư, thu hút vào sản xuất vẫn cần bảo đảm. Khác với quá khứ, nền sản xuất hàng hóa của đô thị mới dĩ nhiên đi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, số hóa toàn diện hơn. Những mảng dịch vụ mới như chợ điện tử, giao dịch tài chính thương mại số hóa, quy trình sản xuất theo dây chuyền công nghệ cao… sẽ được phát triển.
Những điều kiện hạ tầng về sàn giao dịch thương mại, các mặt bằng giới thiệu hàng hóa, nông sản được tổ chức, đầu tư bài bản hơn, những phố thương mại hiện đại với shophouse, siêu thị… ngày một phát triển. Nhưng tất cả vẫn cần gắn với một nền tảng nguồn nhân lực lao động bền vững cho sản xuất, mà điều này không thể có ở một thị trường lao động ngắn hạn, thời vụ!
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc