Multimedia Đọc Báo in

Đổi thay ở một làng quê

07:44, 06/09/2022

Những con đường thảm bê tông đến tận ngõ, nhiều ngôi nhà mái Thái khang trang mọc lên, thôn 10/3 (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) đã “thay da đổi thịt”, ngày càng khởi sắc.

Ông Nguyễn Ngọc Châu, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn 10/3 – người gắn bó với nơi đây từ 40 năm về trước kể lại, từ năm 1982, bà con từ nhiều vùng miền trên cả nước di cư vào thôn, thành lập nên vùng kinh tế mới. Những ngày đó, nhiều hộ dân “siêu nghèo” với mái nhà tranh tạm mọc lên, những ngọn đèn dầu heo hắt và tiếng trẻ nhỏ khóc nghe đến não lòng. Trẻ em trong độ tuổi không được cắp sách đến trường, đồng bào sống trong cảnh tự cung, tự cấp. Đường sá lầy lội, đi lại khó khăn, bà con không thể canh tác sản xuất dễ dàng, thường xuyên bị thương lái vào ép giá nên cuộc sống luôn đối mặt với nhiều vất vả.

Một góc thôn 10/3 (huyện Krông Ana) với những mái nhà mới khang trang. 

Chỉ tay về con đường thảm bê tông khang trang dẫn vào thôn, ông Châu vui mừng nói: “Trước đây, vào mùa mưa con đường này chằng chịt dấu bánh xe không thể đi lại được, mùa nắng thì phủ đầy bụi. Những năm gần đây nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, thôn 10/3 đã thay "áo mới". Ngôi làng xập xệ ngày nào đã mọc lên những ngôi nhà mái Thái, con đường bê tông trải dài thẳng tắp, bà con đi lại dễ dàng, thuận tiện cho giao thương, sản xuất nên đời sống nâng lên đáng kể”.

Từ ngày hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nhiều hộ dân đã khai phá, cải tạo đất đai và đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm để vươn lên làm giàu. Điển hình như gia đình chị Đinh Thị Hồng (xóm 2, thôn 10/3). Vợ chồng chị Hồng từ quê hương Hà Tĩnh vào sinh sống và lập nghiệp từ năm 1994. Những ngày đầu, với hai bàn tay trắng, vợ chồng chị phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Thuở ấy, đất đai hoang hóa, đường sá đi lại khó khăn, việc trồng trọt làm ăn của gia đình chị bấp bênh nên luôn ở trong tình cảnh túng thiếu. Có đợt, ba năm liên tiếp, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của thôn. Năm 2003, với nghị lực vươn lên thoát nghèo, vợ chồng chị đã mạnh dạn vay mượn để mua 5 sào đất khai phá, xây dựng trang trại nuôi gà thịt. Trải qua không ít lần thất bại song vợ chồng chị vẫn tích cực mày mò, đi thực tế ở nhiều mô hình để dần áp dụng vào hoạt động chăn nuôi của gia đình. Đến nay, mỗi năm gia đình chị nuôi 6 - 7 lứa gà thịt, với khoảng 9.000 – 10.000 con/năm, xuất bán ra thị trường khoảng 30 - 40 tấn/năm, cho lãi cao. Ngoài sở hữu một trang trại gà, gia đình chị còn mua 1,6 ha đất trồng cà phê, điều, cau, dừa... cho năng suất cao. Chị Hồng chia sẻ: “Sau nhiều năm cải tạo, vùng đất hoang hóa ngày nào đã trở nên màu mỡ. Cùng với đó, vợ chồng tôi cũng mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác và mở rộng trang trại chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ vậy, mỗi năm, tổng thu nhập bình quân của gia đình tôi khoảng 400 triệu đồng”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tâm, Trưởng thôn 10/3, toàn thôn hiện có 254 hộ, với 1.072 nhân khẩu; trong 650 khẩu ở độ tuổi lao động thì có đến 640 khẩu có việc làm. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”... những năm qua, cán bộ và nhân dân trong thôn đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kết hợp với các ban, ngành địa phương mở lớp dạy nghề như may mặc, sửa chữa xe máy, trồng nấm cho các đối tượng hộ nghèo và hộ khó khăn... Nhờ vậy, đời sống của người dân được nâng cao, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Tính đến cuối năm 2021, hộ nghèo giảm xuống còn 9 gia đình. Toàn thôn hiện có 245 hộ được công nhận gia đình văn hóa (đạt 96,4%). Đường làng, ngõ xóm được cứng hóa bảo đảm giao thông đi lại thuận tiện. Hằng năm, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học đến trường đạt 100%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 75 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Xuân Khu, Chủ tịch UBND xã Ea Bông cho biết, hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của người dân thôn 10/3 ngang bằng với những hộ dân của các thôn khác trong xã. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhiều mặt để đẩy mạnh hợp tác, liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất, sản phẩm, tạo điều kiện nâng cao thêm thu nhập cho người dân.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.