Multimedia Đọc Báo in

Huyện M’Drắk: Phát triển toàn diện trên các lĩnh vực

09:00, 17/01/2023

Bước qua những khó khăn, thách thức trước tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội của huyện M’Drắk đã phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Nông, lâm nghiệp làm trợ lực

M’Drắk là huyện có ngành nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, với trên 52%. Do đó, để phát huy được vai trò “trụ đỡ” cho nền kinh tế, Huyện ủy đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và coi đây là nhiệm vụ chủ yếu để tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.

Nông dân xã Ea Pil chuyển đổi cây trồng ngắn ngày sang trồng cây nhãn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong đó, huyện xác định lâm nghiệp là một lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Nhiều vùng đất trống, đồi núi trọc, khu vực thiếu nước vốn trồng những loại cây ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế thấp đã được người dân, các doanh nghiệp chuyển sang trồng keo lai. Đến nay, huyện M’Drắk đã có khoảng 28.000 ha rừng trồng, đây cũng là nguồn nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ đóng chân trên địa bàn. Hiện địa phương đã hình thành được các chuỗi trồng rừng gắn liền với chế biến, xuất khẩu gỗ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hướng đi lên từ trồng rừng là một bước ngoặt trong phát triển kinh tế địa phương, nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hộ ông Phạm Bảo Ngọc (thôn 5, xã Cư Króa) có 2,5 ha trồng keo lai, sản lượng đạt 100 tấn/ha. Năm 2022, giá gỗ keo lai tăng cao khiến người dân rất vui, với giá bán bình quân khoảng 1,1 - 1,3 triệu đồng/tấn, người trồng rừng thu về bình quân khoảng 80 - 130 triệu đồng/ha, cao hơn 20 - 30 triệu đồng/ha so với năm trước. “Trước đây gia đình trồng cây sắn nhưng hiệu quả kinh tế thấp, lại vất vả nên chuyển sang trồng rừng khoảng 10 năm nay. Chi phí đầu tư cho rừng trồng không cao, nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân”, ông Bảo nói.

Bên cạnh phát triển rừng trồng, các nông hộ đã mạnh dạn nhân rộng, chuyển đổi từ các giống cây trồng truyền thống sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn như: nhãn, vải, chanh dây... cũng góp phần cải thiện thu nhập cho kinh tế hộ.

Vượt khó về đích

Năm 2022, dù tình hình dịch bệnh COVID-19 đã tạm lắng xuống nhưng hậu quả để lại vẫn khá nặng nề cho nền kinh tế. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, giá nguyên vật liệu và vật tư nông nghiệp không ngừng tăng cao… làm ảnh hưởng đến đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu nhập của người dân, doanh nghiệp.

Phát triển rừng trồng ở xã Cư Króa đang mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân.

Nhận diện được những khó khăn, thách thức trên nên ngay từ đầu năm, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện bám sát định hướng lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cụ thể hóa từng chỉ tiêu, nhiệm vụ sát đúng với tình hình thực tế của địa phương để tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực trong tham mưu vận dụng linh hoạt các chính sách, chủ trương của Nhà nước.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy, chính nhờ thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các giải pháp ở tất cả các lĩnh vực, nhất là trong việc chuyển đổi cơ cấu nông, lâm nghiệp nên đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế cũng như các vấn đề về an sinh xã hội, tạo việc làm cho lao động nông thôn… Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể: tổng giá trị sản xuất ước đạt hơn 5.551 tỷ đồng (tăng 11,6% so với năm 2021); tăng trưởng kinh tế đạt 11,62%; giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt trên 134 triệu đồng/năm, tăng 21,4% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách năm 2022 thực hiện trên 119.410 triệu đồng, tăng 7,07% so với cùng kỳ…

Nhà máy băm dăm - Hợp tác xã Tiến Nam trên địa bàn huyện M’Drắk.

Phát huy kết quả đạt được, huyện M’Drắk đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2023 của huyện. Trong đó, tập trung thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng bền vững, toàn diện, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và kết nối chặt chẽ với thị trường tiêu thụ. Huyện phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch các sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp để thu hút đầu tư.

Trong năm 2023, huyện M’Drắk phấn đấu đạt các mục tiêu: tổng giá trị sản xuất dự kiến đạt hơn 5.996 tỷ đồng; giá trị sản xuất bình quân đầu người hơn 105 triệu đồng/năm; tổng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội gần 1.174 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hơn 105 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4 - 5% trở lên; phấn đấu xây dựng thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.